Các app giao đồ ăn cạnh tranh quyết liệt để tồn tại
Sau khi Baemin thông báo chính thức rời thị trường giao đồ ăn Việt Nam từ ngày 8/12 tới đây liệu có sự xáo trộn nào xảy ra trên thị trường hay không?
Hiện tại, trên thị trường giao đồ ăn Việt Nam có các app nổi bật được nhiều người sử dụng như: Grab, Shopee, Baemin, Gojek, Be, Loship, Ahamove... Tuy nhiên, thị phần chủ yếu tập trung vào Grab và Shopee.
Theo báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 của Momentum Works cho thấy hai “ông lớn” GrabFood và ShopeeFood đang chiếm hơn 85% thị phần, Baemin chiếm 12% và số ít còn lại thuộc về những app giao đồ ăn còn lại.

Cuộc đua song mã “bất phân thắng bại”
Ông Hoàng Tùng - Giám đốc điều hành Pizza Home và FoodEdu đã phân tích dưới góc độ chuyên gia đã đưa ra nhận định Baemin Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào nguồn lực cho thị trường châu u, châu Mỹ nên buộc phải cắt giảm ngân sách cho thị trường Việt Nam và châu Á nói chung.
Trong 1 – 2 năm trở lại đây Baemin đã có rất nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu dành cho những khách hàng nhưng lại chưa thật sự hiệu quả. Đó chính là cái khó của Baemin trong việc kéo người dùng sử dụng dịch vụ của họ, đây cũng có thể là lý do mà Baemin quyết định rời khỏi thị trường. Ông Tùng nêu quan điểm có thể họ đã không thể tiếp tục đốt tiền cho các chiến dịch quảng cáo mà không có người dùng nên đã quyết định dừng lại.
Đối với tương lai của thị trường giao đồ ăn Việt Nam sẽ ra sao, ông Tùng cho biết trước mắt những app hưởng lợi lớn nhất chính là GrabFood và ShopeeFood khi hai thương hiệu này sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau trên đường đua song mã.
Tuy nhiên trong tương lai có thể sẽ có những cái tên mới có thể kể đến như Meituan (số 1 Trung Quốc) và Ele.me (công ty con của Alibaba) khi họ đã bắt đầu thăm dò thị trường Việt Nam. Hoặc đơn giản là nền tảng Tiktok đang có nhiều người sử dụng tại Việt Nam cũng có thể mở thêm tính năng giao thực phẩm như họ đã làm tại Trung Quốc với tên gọi Douyin Food.
Ông Phạm Chinh, chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ cho rằng đặt thức ăn qua app đã qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ, bởi lẽ ở thời điểm hiện tại các app giao đồ ăn sẽ phải đề cập đến việc có kiếm đủ lợi nhuận để tái đầu tư trong thời gian dài và bù đắp những khoản lỗ hay không mới là điều quan trọng. Do đó, họ cũng sẽ không thể đốt tiền cho những chính sách khuyến mãi hay quảng cáo như trước đây.
Trong ngành giao đồ ăn ông đánh giá chưa công ty nào có lợi nhuận nên họ vẫn phải tiếp tục kêu gọi đầu tư và dùng tiền đó để duy trì hoạt động. Chi phí của các hãng giao đồ ăn luôn luôn lớn hơn so với doanh thu nên không thể chắc chắn khi nào mới sinh lời. Trong đó, thương hiệu nào trụ được lâu hơn thì sẽ trở thành người chiến thắng.
Cũng theo ông Phạm Chinh người dùng hiện nay không trung thành với bất cứ app nào mà chỉ cần chỗ nào có mã khuyến mãi lớn thì họ sẽ sử dụng app đó. Do đó, các app giao hàng đã phải đốt rất nhiều tiền để tung ra thị trường những mã khuyến mãi ưu đãi nhất tạo lợi thế cạnh tranh.
Thị trường chưa vững vàng
Qua khảo sát thực tế với những chủ cửa hàng kinh doanh họ lại cho biết đang mất dần số lượng khách vì nhu cầu đặt đồ ăn qua app đã không còn nhiều như đợt dịch bệnh xảy ra. Chị Trương Thúy Hạnh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ ngày trước lúc nào chị cũng lên app để đặt món vì thuận tiện và có rất nhiều mã giảm giá nhưng giờ thỉnh thoảng chị mới đặt đồ ăn qua app.
Chị Hạnh cho biết: “Lâu lâu vào app xem đồ ăn vặt có khuyến mãi, giảm giá nhiều tôi mới đặt mua chung với bạn bè, đồng nghiệp cho đỡ tốn phí ship. Khi ở nhà, nếu không nấu nướng được thì tôi cùng cả nhà ra quán luôn cho tiện”.

Chị Huỳnh Ngọc Hà (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cũng là một "tín đồ" của các app đặt đồ ăn từ khi các ứng dụng này ra mắt đến nay. Tuy nhiên, chị đã thay đổi thói quen đặt đồ khi các mã giảm giá trên app ngày càng ít, trong khi phí ship lại khá cao.
Chị Hà chia sẻ: “Có nhiều quán hầu như không có khuyến mãi gì, giá đồ ăn thì cao hơn mua tại chỗ khá nhiều nhưng chất lượng đôi khi lại thấp hơn. Bây giờ đặt đồ ăn qua app phải rủ nhiều người, chọn quán có khuyến mãi thì mới có chi phí hợp lý”.
Bà Đoàn Thị Anh Thư - nhà sáng lập hệ thống nhà hàng Vua Cua và cũng là một đối tác của Baemin chia sẻ, bà đã từng sử dụng nền tảng Vietnammm trước khi bị Baemin thâu tóm vào năm 2019. Khi đó, doanh thu của Vua Cua đến từ Vietnammm khoảng 30% dù mọi đơn hàng yêu cầu phải từ 900.000 đồng trở lên nhưng khách hàng rất trung thành dù truyền thông không ầm ĩ.
Bà Thư cho biết: “Thời điểm đó, để được lên Vietnammm không dễ, họ kiểm tra chất lượng quán rất kỹ, lấy khách hàng cuối cùng làm kim chỉ nam chứ không nhận đại trà như các app hiện nay là chỉ cần trả phí sẽ được lên app”.
Theo bà Thư thách thức lớn nhất với các app đặt đồ ăn tại Việt Nam chưa giải quyết được chính là việc thu chiết khấu của cửa hàng quá cao và khâu kiểm soát chất lượng thực phẩm cũng lỏng lẻo. Nếu như có app giao đồ ăn nào giải quyết được vấn đề này chắc chắn sẽ hút nhiều khách hàng quay trở lại.
Từ ngày 8/12 tới đây Baemin sẽ chính thức nói lời tạm biệt thị trường Việt Nam, nhiều chuyên gia đánh giá những chiến dịch quảng cáo của Baemin rất thú vị và sáng tạo nhưng lại chưa đủ sức để lan tỏa vì tâm lý của người dùng vẫn chú trọng vào những mã khuyến mãi. Mặc dù nhiều người nuối tiếc nhưng sự dừng lại của Baemin được cho là đúng thời điểm giữa lúc thị trường giao đồ ăn Việt Nam đang nằm trong tay hai “ông lớn” là Grab Food và Shopee Food.