Cảnh giác với chiêu trò chuyển đổi dư nợ tín dụng sang trả góp

Thiên Bình 26/10/2023 09:02

Chủ thẻ tín dụng đang nợ ngân hàng có thể gặp rủi ro khó lường khi muốn chuyển sang trả góp theo lời mời chào của người lạ.

Hồi giữa tháng 10/2023, anh Huy (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM) - người đang nợ thẻ tín dụng quá hạn 30 triệu đồng nhận được cuộc gọi từ một người tên Quỳnh tự xưng là nhân viên một đơn vị là đối tác của Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) với nội dung: “Bên em đang có chương trình ưu đãi lãi suất 15%/năm khi tham gia rút tiền trả góp hoặc chuyển dư nợ thẻ tín dụng sang hình thức trả góp tại 29 ngân hàng (NH)”.

Đến tận nhà để giao dịch

Quỳnh cho hay nếu anh Huy đồng ý chuyển từ dư nợ sang trả góp thì sẽ có nhân viên tới tận nhà để làm giao dịch. Người này sẽ thanh toán cho ngân hàng phát hành thẻ 30 triệu đồng, chấm dứt dư nợ trong thẻ, rồi cà thẻ tín dụng để mua hàng hóa để anh H trả góp mỗi tháng.

Sau khi biết thẻ tín dụng của anh Huy chịu lãi suất tới 30%/ năm, Quỳnh thông báo số tiền anh trả trực tiếp cho ngân hàng là 3.013.000 đồng/tháng. Quỳnh tư vấn rằng anh chỉ trả hơn 36 triệu đồng trong vòng 1 năm gồm vốn gốc, lãi suất 15% cùng phí chuyển 2% thay vì trả tới 39 triệu đồng nếu anh để nguyên số dư nợ 30 triệu đồng và chịu lãi suất 30%/ năm.

Cần cảnh giác với chiêu trò chuyển đổi dư nợ tín dụng sang trả góp

Anh Huy thấy Quỳnh dùng nhiều số điện thoại để liên lạc nên thấy bất thường đã phản ánh lại với báo Người Lao động để nhờ xác minh. Anh Huy cho biết, Quỳnh yêu cầu anh cung cấp sao kê thẻ tín dụng hoặc tin nhắn mà ngân hàng thông báo số tiền thanh toán tối thiểu để kiểm tra dư nợ hiện tại và tính số tiền góp hàng tháng nhằm chuyển đổi sang trả góp.

Tín hiệu bất thường

Theo khẳng định của ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc VNPAY trước sự việc này, VNPAY là đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán điện tử cho các ngân hàng, mà không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển dư nợ thẻ tín dụng sang trả góp theo kiểu mua hàng hóa, dịch vụ.

Ông Phúc cho biết VNPAY xưa nay đã gặp nhiều trường hợp giả danh để lừa đảo. Cũng có nhiều lần công ty phát đi cảnh báo các vụ việc này trên các phương tiện truyền thông, do đó, người dân cần thực sự cảnh tỉnh trong giao dịch về thẻ. Ông cho biết việc cà thẻ tín dụng mua hàng hóa khống là trái với quy định. Chủ điểm máy POS sẽ bị xử phạt bởi các cơ quan chức năng.

Theo một lãnh đạo Trung tâm Thẻ Eximbank, việc người lạ chào chủ thẻ tín dụng đổi từ dư nợ sang trả góp là một hình thức đảo nợ ngoài ngân hàng.

Lãnh đạo Trung tâm Thẻ Eximbank phân tích, người này thường là chủ điểm bán hàng hóa có máy POS. Họ trục lợi bằng cách lợi dụng chính sách trả góp thẻ tín dụng của một số ngân hàng. Khi đó, chủ điểm bán hàng thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, rồi cà thẻ mua hàng hóa khống để tạo giao dịch mới nhằm đáp ứng đủ điều kiện đăng ký trả góp từng tháng. Nhiều ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất phổ biến là 12%/ năm.

Khi chuyển sang trả góp, chủ điểm bán hàng thu phí cùng với lãi suất là 17%/năm. Theo đó, họ kiếm lời 5%/năm. Trong khi việc cung cấp sao kê thẻ tín dụng thì vẫn chưa rõ họ dùng làm gì nhưng về cơ bản vẫn rất rủi ro cho chủ thẻ.

Mặt khác, bà Nguyễn Phương Huyền, Giám đốc Khách hàng cá nhân Sacombank cho rằng chủ thẻ tín dụng không biết trước được mình sẽ mua gì với một giao dịch khống. Bà Huyền lo rằng chủ thẻ có thể gặp rắc rối về pháp luật nếu không may giao dịch đó liên quan đến hàng hóa phi pháp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cảnh giác với chiêu trò chuyển đổi dư nợ tín dụng sang trả góp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO