Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị cáo buộc lừa đảo 8.800 tỷ đồng
Ngày 30/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4, Điều 174 Bộ Luật Hình sự.
Ngoài bị can Đỗ Anh Dũng, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố nhiều người khác gồm: Đỗ Hoàng Việt - phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (con trai ông Dũng); Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Khoa Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh - phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh…

Theo kết luận, tháng 6/2021, do thực trạng vay nợ lớn, các dự án mới chưa thể triển khai và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ.
Trước nhu cầu thanh toán nhiều khoản nợ đến hạn và quá hạn, ông Dũng chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt nghiên cứu phương án, cách thức huy động vốn cho công ty.
Ông Đỗ Anh Dũng thống nhất chủ trương cùng Việt sử dụng pháp nhân 3 công ty ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng khống như hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần để phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ huy động vốn.
Theo kế hoạch, Tân Hoàng Minh thông đồng với các bị can tại Công ty Kiểm toán Nam Việt (chi nhánh phía bắc) và Công ty CPA Hà Nội để kiểm toán, hợp thức số liệu, "làm đẹp" báo cáo tài chính năm 2020-2021 nhằm hợp thức cho các công ty có đủ điều kiện phát hành trái phiếu, kết luận nêu.
Kết quả điều tra xác định, ngay từ đầu khi họp bàn lên kế hoạch, các bị can đã thống nhất không sử dụng pháp nhân Công ty Tân Hoàng Minh để phát hành trái phiếu do đơn vị này có nhiều công ty con nên "số liệu tài chính phức tạp".
Các bị can đã thống nhất lựa chọn các công ty con thuộc Tân Hoàng Minh để phát hành trái phiếu riêng lẻ có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút nhiều người mua trái phiếu.
Ông Dũng còn chỉ đạo ký các hợp đồng "giả cách" chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền "khống" thể hiện việc thanh toán tiền từ Công ty Tân Hoàng Minh sang công ty phát hành.
Việc này nhằm tạo lập giá trị "ảo" các gói trái phiếu và trái chủ cho Tân Hoàng Minh để bán trái phiếu rộng rãi cho người dân.
Mục đích bán trái phiếu nhằm huy động rồi chiếm đoạt, sử dụng tiền vào nhiều mục đích khác nhau. Toàn bộ tiền bán trái phiếu này "không đúng với mục đích, phương án phát hành trái phiếu", kết luận nêu.
Thủ đoạn trên, theo cơ quan điều tra, là nhằm lách quy định chuyển nhượng trái phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Với chiêu thức trên, nhóm bị can đã phát hành được 9 gói trái phiếu riêng lẻ, với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh đã huy động được tổng doanh số hơn 13.900 tỷ đồng của người mua trái phiếu, cao hơn giá trị phát hành.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, mục đích huy động vốn của những người mua trái phiếu này là nhằm chiếm đoạt, sử dụng tiền vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích phát hành trái phiếu. Việc này đã làm trái các quy định tại khoản 1, Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 2, Điều 5 Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Được biết, toàn bộ số tiền bán trái phiếu, Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo các đối tượng tại Công ty Tân Hoàng Minh sử dụng hết vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích, phương án phát hành trái phiếu.
Trong đó, Tân Hoàng Minh đã sử dụng hơn 5.165 tỷ tiền của người mua trái phiếu sau "xoay vòng" để trả cho nhà đầu tư đến hạn trước.
Cơ quan điều tra xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỷ.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị xác định giữ vai trò chủ mưu chịu trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt.
Trong quá trình điều tra đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu hồi tổng cộng gần 8.645 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, đảm bảo thi hành án, hoàn trả cho bị hại.
Bị can Đỗ Anh Dũng được đánh giá là thành khẩn khai báo, khai nhận hành vi phạm tội về vai trò. Trước khi bị khởi tố, bị can có nhiều thành tích, cống hiến cho xã hội, tham gia nhiều hoạt động từ thiện cho xã hội; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương, các ngành tặng nhiều bằng khen ghi nhận; bản thân bị can đã tích cực phối hợp với Công ty Tân Hoàng Minh cùng gia đình khắc phục hậu quả của vụ án nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét khi lượng hình.
Thông tin bên lề, ông Đỗ Anh Dũng thành lập Tân Hoàng Minh vào năm 1993 tại TP.HCM và bắt đầu với hệ thống taxi V20. Thương hiệu này từng chiếm 20-25% thị phần vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội, TP.HCM và Nha Trang.
Năm 1998, ông Dũng mở nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ và đây được xem là một trong những nguồn thu chủ chốt khi đem lại lợi nhuận 3-5 triệu USD mỗi năm cho Tân Hoàng Minh trong thời kỳ đầu phát triển. Từ năm 2006 đến nay, Tân Hoàng Minh đầu tư vào các dự án căn hộ siêu sang tại những khu "đất vàng" đắc địa của Hà Nội.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng liên quan một số sự việc gây xôn xao dư luận. Ngày 10/12/2021, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng thầu lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào. Từ đây, đơn giá mỗi m2 lô đất này lên ngưỡng 2,43 tỷ đồng một m2, lập đỉnh tại thị trường Việt Nam.
Đến ngày 10/1/22, Chủ tịch Tân Hoàng Minh bất ngờ xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 2,45 tỷ đồng một m2 ở Thủ Thiêm.