Đầu tư nhượng quyền Mixue: Chủ cửa hàng không có đường lui
Những chiến lược Mixue đưa ra như nhượng quyền đơn thể, không tham gia vào quá trình phát triển cũng như doanh thu của các cửa hàng, tưởng chừng là "hời" nhưng nhiều cửa hàng nhượng quyền đang ngậm "trái đắng" vì phụ thuộc vào giá và chính sách bán hàng của doanh nghiệp này.
Chi phí lớn nhưng... phụ thuộc
Cần chi phí ban đầu khoảng 500 triệu đồng bao gồm cả phí nhượng quyền, phí quản lý, đầu tư máy móc, mặt bằng,… mức giá nhượng quyền của Mixue được đánh giá khá hợp lý và đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư đổ tiền để phát triển thương hiệu.

Sở hữu thương hiệu phổ rộng, một trong những điểm mạnh của Mixue đó là giá bán thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Một cây kem 10 nghìn đồng hay một ly trà sữa trân châu 25 nghìn đồng, mức giá rất hợp lý và vừa túi tiền với rất nhiều khách hàng.
Vì rẻ nên chuỗi cửa hàng Mixue gần như lúc nào cũng rất đông khách, có cửa hàng khách hàng xếp hàng dài chờ đợi ra tới tận cửa. Nhìn thấy hào nhoáng bên ngoài, cùng với cam kết “có lãi sau 6 tháng”, nhiều chủ cửa hàng đã nhanh chóng đồng ý kí vào hợp đồng nhượng quyền. Thế nhưng, những quy định ràng buộc trong hợp đồng đã khiến chính chủ cửa hàng gặp phải nhiều khó khăn sau này.
Chị D. chủ một cửa hàng nhượng quyền Mixue tại Hà Nội cho biết, phía Mixue áp dụng chính sách kinh doanh nhượng quyền đơn thể, không tham gia vào quá trình phát triển cũng như doanh thu của các cửa hàng tuy nhiên, cửa hàng lại rất phụ thuộc vào công ty.
Đơn cử, một trong những điều kiện trong hợp đồng nhượng quyền là mọi sản phẩm, bao gồm cả đồ dùng, đều phải nhập từ Mixue. “Mọi vật dụng đều phải mua từ Mixue, từ cái ống hút, chiếc thìa xúc trà sữa, cốc, giấy nhãn,… nhưng giá nhập vào lại không hề rẻ, có chiếc thìa giá đến cả 2 nghìn đồng/chiếc”, Chị D. tâm sự.
Không dừng lại ở đó, việc chính sách giá bán của Mixue cũng khiến các chủ cửa hàng nhượng quyền gặp nhiều khó khăn. Theo chị D., chiếc kem tại cửa hàng giá 10 nghìn bằng với giá vốn, các cửa hàng bán kem là không có lãi. “Đó còn chưa kể có khách hàng đến mua kem hay trà sữa xin thêm túi, thìa hay ống hút thì coi như đơn hàng đó lỗ, bởi giá sản phẩm thấp, các đồ dùng mua thêm giá cao”, chị D. ngán ngẩm.
Không chỉ chị D. nhiều chủ cửa hàng khác cũng rất bức xúc khi mới đây quyết định giảm 10 - 25% giá bán nhiều sản phẩm, nhưng chỉ giảm 8-10% giá nhập nguyên liệu đầu vào cho các chủ cửa hàng của Mixue đã gặp phải sự “phẫn nộ” rất lớn từ các chủ cửa hàng.

Chị Lê Thị Dung, chủ cửa hàng Mixue ở Bắc Giang cho biết, chính sách yêu cầu các cửa hàng giảm giá sản phẩm khiến chị rất bức xúc.
“Đó là điều không thể chấp nhận được. Giá thuê mặt bằng mỗi năm tăng 15-20%, lương nhân viên tăng, tiền điện nước không giảm. Do đó, Mixue đưa ra chính sách mà không nghĩ đến quyền lợi của các chủ cửa hàng. Chi phí bỏ ra để làm một cửa hàng rất lớn, nếu giảm giá sản phẩm chắc chắn chúng tôi sẽ lỗ”, chị Dung chia sẻ.
Thực tế ở Bắc Giang, công ty cho mở cửa hàng nhượng quyền mật độ dày nên chỉ 3km có tới 6 cửa hàng, khách hàng chỉ có hạn nên doanh thu mỗi cửa hàng rất thấp. “Mùa hè kinh doanh trôi chảy còn đủ tiền trả mặt bằng, nhân viên và dư một chút chứ mùa đông thì làm không có lợi nhuận”, chị Dung nói.
Chủ cửa hàng không có đường lui
Không khó để nhìn thấy lợi thế khi nhượng quyền từ Mixue với phí nhượng quyền rẻ, điều kiện nhượng quyền không khắt khe và được bên Mixue hỗ trợ thiết kế cửa hàng, đào tạo nhân viên, vận hành cửa hàng. So với các cửa hàng của các chuỗi khác thì có thể nói giá của Mixue là vô cùng rẻ, thậm chí là bình dân.

Tuy nhiên, nhìn vào tình hình nhượng quyền ồ ạt của Mixue, có thể thấy có nhiều rủi ro tiềm ẩn khi tham gia vào chuỗi nhượng quyền của Mixue mà các chủ cửa hàng sẽ phải đối mặt.
Thứ nhất là nguy cơ loãng hệ thống, do Mixue đẩy mạnh hệ thống bán nhượng quyền thương hiệu, từ đó có quá nhiều hệ thống trong một khu vực.
Thứ hai là thị trường trà sữa đã có dấu hiệu bão hòa. Bởi, thị trường trà sữa của Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển một cách đáng kinh ngạc. Ở đâu chúng ta cũng có thể tìm thấy những cửa hàng trà sữa mở cạnh nhau.
Thứ ba là sự phụ thuộc vào công ty Mixue về giá của nguyên vật liệu, bảo trì thay thế máy móc, những đợt khuyến mại giảm giá liên miên,… và đặc biệt là giá sản phẩm bán ra.
Việc giảm giá sản phẩm để kích cầu mua sắm không còn xa lạ trong kinh doanh. Tuy nhiên, với trường hợp như Mixue, các chủ cửa hàng đều cho biết đầu tư lớn, việc giảm giá bán sản phẩm phải đi cùng với giảm giá nguyên liệu tương ứng.
“Không giảm giá, chúng tôi đã phải bù lỗ, giờ thế này chúng tôi không có đường lui, không chịu nổi”, chị chị Nguyễn Minh Hà, chủ 5 cửa hàng Mixue ở TP.HCM cho biết.