Doanh nghiệp Việt còn gặp nhiều thách thức trên chặng đường chạy đua về đích
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp xuất khẩu tỉ USD như thủy sản, gỗ, dệt may… khó tránh được cơn gió ngược khi đang chạy đua để về đích.
Kinh tế Việt Nam đã trải qua ¾ quãng đường trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên tiêu cực. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu tỉ USD vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức từ kinh tế thế giới.
Chạy đua để về đích
Lãnh đạo Công ty cổ phần Quốc tế Dony vừa qua đã thương thảo với một đơn hàng của doanh nghiệp Trung Đông. Đơn hàng này sẽ được ký xuất khẩu vào giữa tháng 10 nếu mọi thứ thuận lợi. Tiếp đó, vào tháng 11, Dony cũng sẽ ký thêm đơn hàng tới Mỹ với 6 xe container.
Theo ông Phạm Quang Anh - CEO Công ty Cổ phần Quốc tế Dony, doanh nghiệp sẽ có đủ đơn hàng làm tới tháng 2/2024 nếu suôn sẻ.
Vị này cho biết Dony tập trung dành nhiều thời gian cho các hoạt động cải tiến, tối ưu và phát triển chuỗi cung ứng nhằm có chi phí sản xuất cạnh tranh tốt hơn do lượng đơn hàng cuối năm ngoái ít.

Vừa qua, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã TNG) đã báo cao doanh thu tiêu thụ tháng 9 ước đạt 599 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. tính tổng 9 tháng, doanh thu của công ty ước đạt 5.437 tỉ đồng, tăng 177 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
Theo đó, sau 3 quý đầu năm, công ty đã đạt 80% kế hoạch năm. Doanh thu của doanh nghiệp dệt may trong quý III đạt hơn 2.100 tỉ đồng, tăng hơn 4% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần hồi phục với kim ngạch trên 1 tỉ USD/ tháng. Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, ngành gỗ đã có tín hiệu hồi phục trên thị trường quốc tế.
Ông Phương cho biết: “Giai đoạn này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập về bình quân tăng từ 5 - 10%/tháng. Đây là dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp gỗ đang tích cực chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm".
Còn đối mặt với nhiều khó khăn
Theo nhận định của UOB trong báo cáo tăng trưởng kinh tế quý III/2023, tốc độ tăng GDP thực tế quý III của Việt Nam đã lên 5,33% so với cùng kỳ. Thế nhưng, mức tăng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, do đó tăng trưởng GDP thực tế quý III vẫn thấp hơn so với dự báo 5,6% được đưa ra trước đó.
Theo Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam là một cỗ xe tam mã, đang được ba động lực tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng dẫn dắt.
Tuy nhiên, hiện cả 3 động lực đều suy yếu vì kinh tế và thị trường toàn cầu tăng chậm lại và suy giảm. Chính phủ và Quốc hội hiện đang có nhiều nỗ lực để đảm bảo duy trì những động lực này.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, chính các dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng đã là những dự án có quy mô lớn, có tiềm năng thu hút FDI.
Bởi vậy, các dự án này cần được đối xử như mở đường để cải thiện chất lượng tăng trưởng trên 3 trụ cột xuất khẩu.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá phát triển trong những năm tới khi tiếp tục đổi mới và cải cách đối tác công tư, hợp tác và cộng sinh có hiệu quả với các FDI.
Ông nói: "Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu; đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn, đồng thời tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đến với toàn cầu".