Đối tác lớn của Masan, Vinamilk, Trung Nguyên… bất ngờ được gã khổng lồ Nhật Bản rót vốn
Được biết tới là nhà cung cấp và sản xuất nguyên liệu thực phẩm cho hàng loạt nhãn hiệu nổi tiếng như TH True Milk, Vinamilk, Trung Nguyên, Masan… AIG ghi nhận doanh thu hàng năm lên tới hàng chục nghìn tỷ.
Vừa qua, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã thông qua công ty con Marubeni Development Capital Asia Pte. Ltd. (MGCA) để rót vốn vào Công ty Cổ phần Nguyên liệu Á Châu AIG.
Được biết đến là nhà cung cấp và sản xuất nguyên liệu thực phẩm cho hàng loạt cái tên nổi tiếng như TH True Milk, Vinamilk, Nutricare, Vitadairy, Friesland Campina, Nestle, Masan, Đức Việt, Dabaco, IDP, Nutifood, Dabaco, Acecook, Vifon… AIG là một trong những tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất của Nhật Bản. Công ty đã hoạt động trên 68 quốc gia, với tổng tài sản và lợi nhuận hàng năm lần lượt là 68 tỷ USD và 2 tỷ USD.

Trải qua hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Marubeni là nhà xuất khẩu số 1 các mặt hàng của Việt Nam như cà phê, thủy sản và cũng là nhà phân phối lớn các mặt hàng như sản phẩm hóa dầu, ngũ cốc…
Năm 2022, tập đoàn này đã thành lập bộ phận phát triển doanh nghiệp mới, chủ yếu thu hút sự tăng trưởng thế hệ tiếp theo (Next Gen) của người tiêu dùng Đông Nam Á và Mỹ. Trong đó, họ tìm giải pháp để biến thương hiệu đồ uống và thực phẩm trở thành một phân khúc cốt lõi trong hoạt động kinh doanh trong tương lai của mình.
Như vậy, khoản đầu tư vào AIG là khoản đầu tư thứ 2 của MGCA vào mảng đồ uống và thực phẩm sau khi hợp tác nhượng quyền tổng thể với chuỗi cà phê hàng đầu đến từ Canada là Tim Hortons®. Theo đó, MGCA có thể đưa sản phẩm của công ty tới 3 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á.
Tập đoàn Marubeni không công khai chi tiết về tỷ lệ đầu tư vào AIG.

Dựa trên báo cáo thường niên năm 2022 và báo cáo quản trị của AIG, cổ đông lớn nhất của công ty tại thời điểm cuối năm ngoái là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiên Trúc với tỉ lệ nắm giữ 37,35%.
Các tổ chức nước ngoài nắm giữ 27,56%, trong đó VFPHK Holdings Limited (có địa chỉ trụ sở tại Hong Kong) nắm trên 10% và quỹ đầu tư PENM IV nắm 9,44%. Số liệu gần nhất cho thấy VFPHK đã trở thành cổ đông lớn của tập đoàn AIG vào tháng 8/2019, với tỉ lệ nắm giữ 10,2% vốn điều lệ.
AIG trước đây đã nhận được dòng vốn từ nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp như NewQuest Capital Partners (2018), PENM Partner Capital (2014). Năm 2011, Mekong Enterprise Fund II cũng từng rót vốn vào Hoá chất Á Châu song đã thoái vốn vào năm 2018.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 cho thấy tổng tài sản của AIG tại thời điểm cuối năm đạt gần 8.000 tỷ đồng, vốn cổ phần là 1.706 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là hơn 2.000 tỷ đồng chưa phân phối. Ở năm nay, doanh thu và lợi nhuận của công ty đạt mức cao nhất lịch sử đã công bố với con số lần lượt là 12.885 tỷ đồng và 960 tỷ đồng. Còn EPS là 3.735 tỷ đồng.
Riêng Vinamilk đóng góp 17,3% vào doanh thu cả năm của AIG khi mang về 2.233 tỷ đồng. Thương hiệu này là cổ đông lớn khi nắm giữ 24,96% cổ phần của CTCP Chế biến Dừa Á Châu – một công ty con do AIG nắm 73,42%. Ngoài ra, Vinamilk cũng nắm giữ 20% CTCP APIS – một công ty con do AIG nắm 76,96%.
Thế nhưng, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của AIG, trong khi doanh thu thuần giảm nhẹ còn 2.843 tỷ đồng, song lợi nhuận gộp lại giảm tới 23% còn 373 tỷ đồng, còn lợi nhuận ròng giảm 45% còn 127,5 tỷ đồng. Vinamilk vẫn đóng góp 20% trong tổng doanh thu của AIG.
Từ những năm đầu thập niên 2000, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu đã hình thành và phát triển, với tiền thân là CTL Company Ltd, sau đó đổi tên thành ATL rồi tiếp đến là ACC – Hoá Chất Á Châu. Đến năm 2009, ACC – Hoá Chất Á Châu đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất bột kem không sữa AFI – Asia Saigon Food Ingredients.
Vào tháng 7 năm 2017, Asia Group dần hình thành khi hợp nhất kết quả kinh doanh của 7 công ty thành viên tại pháp nhân lõi - CTCP Nguyên liệu Á Châu AIG (AIG).
Trong thông tin công bố đầu tư vào AIG, Marubeni cho biết ngành thực phẩm tại khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, được thúc đẩy bởi sự phát triển kinh tế, đô thị hóa, tăng trưởng dân số và sự tăng lên của tầng lớp trung lưu.

Đặc biệt, một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất là thị trường thực phẩm Việt Nam khi có tốc độ tăng trưởng năm khoảng 8% nhờ nền kinh tế mới nổi của đất nước. Theo dự kiến, năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 tại Đông Nam Á.
Trong một lối sống bận rộn hơn và ý thức về sức khỏe ngày càng tăng lên, nhu cầu về thực phẩm tiện lợi và tốt cho sức khỏe trong những năm gần đây ngày càng cao, kéo theo nhu cầu về các nguyên liệu đầu vào, thành phần hữu cơ và phụ gia dinh dưỡng đa dạng, có nguồn gốc toàn cầu và phức tạp hơn. Để đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia Đông Nam Á, nguyên liệu thực phẩm cũng rất quan trọng.
Tại thị trường Việt Nam, Marubeni chủ yếu được biết đến với việc rót vốn vào các nhà máy điện. Cùng với KEPCO, Tập đoàn đang đầu tư Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và đang được đề xuất cùng với Vietracimex để rót vốn vào Nhiệt điện Ô Môn 2. Vào đầu năm 2019, tập đoàn đã khởi công xây dựng Nhà máy Giấy bao bì Kraft of Asia (KOA) tại Bà Rịa Vũng Tàu với vốn đầu tư 115 triệu USD.
Bên cạnh đó, Marubeni cũng thuộc liên doanh nhà thầu bao gồm: Công ty Cổ phần COLAVI, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power), Công ty TNHH Tokyo Gas hợp tác đầu tư Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh công suất 1.500MW với tổng mức đầu tư lên trên 47.000 tỷ đồng. Trước đó, tập đoàn ngày từng ngỏ ý muốn rót tiền xây dựng tổ hợp Điện khí LNG Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vừa qua, hồi tháng 7/2023, Marubeni và tập đoàn Hưng Thịnh đã ký kết hợp tác phát triển toàn diện về 3 lĩnh vực bao gồm: đầu tư phát triển dự án bất động sản; năng lượng xanh; và nghiên cứu khả thi phát triển - vận hành thành phố thế hệ tiếp nối sử dụng giải pháp thông minh.
Mới đây, Marubeni Green Power Việt Nam cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với VinES (thuộc Tập đoàn Vingroup) nhằm đẩy mạnh việc dùng hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) tại Việt Nam.