Eximbank (EIB) hoàn tất phát hành cổ phiếu để trả cổ tức
Theo thông tin mới nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (HoSE: EIB) đã báo cáo kết quả đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Theo đó, EIB đã hoàn tất phân phối 265,551,289 cổ phiếu cho 18,997 cổ đông theo tỷ lệ thực hiện là 100:18 (tương ứng người sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 18 cổ phiếu). Ngoài ra, có 5,386 cổ phiếu là cổ phiếu lẻ được hủy bỏ theo phương án phát hành.
Như vậy, tổng số cổ phiếu sau đợt phát hành của EIB là 1,746,956,148 cổ phiếu với 1,740.866.148 cổ phiếu và 6,090,000 cổ phiếu quỹ.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của EIB, lợi nhuận sau thuế sau soát xét đạt 1,122.7 tỷ đồng, tương ứng giảm 400.7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm 334.7 tỷ đồng, tương ứng giảm 12.59% xuống mức 2,323.6 tỷ đồng do EIB chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, lãi suất huy động vốn tăng cao từ tháng 10/2022 cũng làm tăng chi phí huy động vốn của Ngân hàng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 45.4 tỷ đồng, tương ứng tăng 20.57% lên mức 266.3 tỷ đồng.
Các khoản lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 112.4 tỷ đồng lên mức 384.6 tỷ đồng, tương ứng tăng 41.3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điểm sáng tích cực khẳng định thế mạnh của EIB trong hoạt động kinh doanh ngoại hối thông qua việc áp dụng nhiều công cụ trên thị trường ngoại hối và các giải pháp kinh doanh phù hợp.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 134.9 tỷ đồng so với cùng kỳ xuống mức âm 1.5 tỷ đồng do trong điều kiện kinh doanh các giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu tổ chức tín dụng,… chưa được thuận lợi.
Ngoài ra, lãi thuần từ khác hoạt động khác giảm đến 223.7 tỷ đồng, tương ứng giảm 59.5% xuống mức 159.1 tỷ đồng chủ yếu do công tác xử lý thu hồi nợ của EIB trong 6 tháng đầu năm 2023 thực hiện chậm hơn kế hoạch đề ra. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân chủ yếu do tính thanh khoản và tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều lần lượt giảm nhẹ 1.93% và 6.38% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 1,453.7 tỷ đồng và 269.9 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1,409.2 tỷ đồng và 1,122.7 tỷ đồng, tương ứng giảm 26.12% và 26.3% so với cùng kỳ năm trước. Hợp nhất 6 tháng đầu năm, EIB thu về lợi nhuận ròng đạt 1,118.7 tỷ đồng, tương ứng sụt giảm 26.33% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Phía Eximbank cho rằng, mặc dù bối cảnh chung của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, EIB tự tin nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm sẽ được cải thiện nhiều. Theo đó, hoạt động kinh doanh của các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẽ có những khởi sắc, tình hình bất động sản cũng sẽ được khơi thông.
EIB tin rằng với tình hình kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm nay thì Ngân hàng cũng sẽ tăng trưởng mạnh để hoàn thành đúng các mục tiêu đã đề ra trong năm 2023.
Được biết, Ngân Hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam là một trong những ngân hàng thương mại cổ phẩn đầu tiên của VN, được thành lập vào ngày 24/05/1989 theo Quyết định số 140/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với tên gọi ban đầu là Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam.
Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/01/1990 và nhận được Giấy phép hoạt động số 11/NH-GP ký ngày 06/04/1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cho phép Ngân Hàng hoạt động trong 50 năm với số vốn điều lệ đăng ký là 50 tỷ đồng và có tên mới là Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (gọi tắt là Eximbank).