Giảm thuế VAT là phương án “khoan thư sức dân”?
Vừa qua, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Bộ Tài chính xem xét, đưa ra các phương án cho giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhiều chuyên gia đánh giá, việc giảm thuế nếu áp dụng sẽ giúp tăng trưởng GDP, giảm CPI và tạo động lực tăng trưởng cho người dân.

Theo công văn gửi Bộ Tài chính xem xét, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đưa ra hai phương án cho giảm VAT như sau: Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất VAT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%; Phương án 2, là giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hó,a dịch vụ đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế trên thị trường, có những loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và thường là 10%, nên việc giảm thuế này dù theo phương án một hay hai cũng chỉ áp dụng đối với hàng hóa dịch, vụ chịu thuế. Với những hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng thì không được hưởng như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Hay với lĩnh vực bất động sản, ví dụ người dân mua một căn nhà, trên sẽ có hợp đồng sẽ có hai phần là nhà và đất, trong đó đất không tính thuế giá trị gia tăng còn nhà thì chịu thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, nếu giảm thuế 2% đối với bất động sản, thì chỉ giảm tương ứng với giá trị của nhà, trong khi trong các hợp đồng, giá trị của đất luôn chiếm nhiều hơn so với giá trị của nhà.
Tuy nhiên, đây cũng là một phương án giúp “khoan thư sức dân” và là cần thiết để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư. Thời hạn giảm 2% thuế giá trị gia tăng dự kiến từ 1/7, nghĩa là một bước hỗ trợ mới cho nửa sau năm 2023.
Phân tích thêm về chính sách giảm thuế, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá, mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ là một con số lớn trong nền kinh tế, đồng thời tạo ra sức ép cho ngân sách Nhà nước và tạo ra cơ cấu nợ cho những năm sau. Tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trong ngân sách Nhà nước đâu đó chiếm trung bình khoảng 25%. Hiện Việt Nam có tỷ trọng trần nợ công dưới 65% GDP, thì điều này được xem là vẫn đang an toàn.
“Có thể nói, những chính sách mang tính chất hỗ trợ trực tiếp như đầu tư công hiện còn đang yếu, chỉ có những doanh nghiệp địa phương hoặc một bộ số bộ phận của nền kinh tế được hưởng lợi. Hay chính sách tiền tệ cũng tương tự, nếu lãi suất giảm, cung tiền tăng thì cũng chỉ một số nhóm, nhất là nhóm liên quan đến sản phẩm tài chính được hưởng lợi; còn việc giảm thuế VAT này sẽ được đánh giá rất cao do nó tác động tích cực tới tất cả mọi người. Những chính sách hỗ trợ về thuế sẽ là động lực quan trọng cho vĩ mô của chúng ta và quý 3 tới đây sẽ có nhiều điểm sáng hơn”, nhiều chuyên gia nhận định.
Thụy An