Hành động thế nào khi thị trường rung lắc?
VNIndex đã có mức tăng ấn tượng với con số 9.2% trong tháng 7, trong tuần qua thị trường đã có những phiên giảm điểm mạnh khiến nhiều NĐT đứng giữa 2 lựa chọn: Bán chốt thì sợ mất hàng nếu thị trường quay lại xu hướng tăng và giữ hàng thì sợ mất lãi nếu thị trường điều chỉnh mạnh.
Sử dụng phương pháp kỹ thuật để hành động
Một trong những phương pháp mà nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm để xác nhận thị trường điều chỉnh mạnh hay không là đếm số ngày phân phối.
Ngày phân phối, đó là ngày có khối lượng phải cao hơn ngày hôm trước kèm theo đó là hành động giá tiêu cực, mức giảm điểm nhiều hơn mức 0.1%. Ngoài ra, nếu một cổ phiếu tăng giá ít với khối lượng cao hơn đáng kể vào bất kỳ ngày nào cũng có thể cho thấy sự phân phối. Đây là một tình huống cho thấy bên bán nhiều hơn bên mua, nhưng lực bán mạnh này bị che dấu bởi thực tế là ngày đó giá đóng cửa cao hơn một chút so với giá đóng cửa ngày hôm trước.
Và số lượng ngày phân phối trong phạm vi 25 phiên giao dịch, nhà đầu tư kinh nghiệm thường quyết định hành động như hình bên dưới.
VNIndex ở thời điểm hiện tại, sau một giai đoạn tăng giá mạnh mẽ, trong phạm vi 25 phiên giao dịch đang có 3 ngày phân phối rõ rệt. Cụ thể là các ngày: 27/07, 01/08 và 03/08 – các ngày này đếu đáp ứng điều kiện giảm > 0.1% và thanh khoản cao hơn ngày hôm trước.
Với “dấu vết” này của thị trường, 3 phiên phân phối thì vẫn chưa đáng ngại, tra vào bảng hành động: chúng ta được khuyên rằng hành động chỉ là quan sát cổ phiếu mình kỹ lưỡng hơn, chứ cũng không nên có quan điểm quá tiêu cực hay tích cực từ thị trường để tới hành động mua/bán.
Với việc đếm số ngày phân phối sẽ giúp cho chúng ta trả lời được thị trường hiện tại đang như thế nào. Cụ thể hơn là với 3 ngày phân phối, thể hiện thị trường đang trong giai đoạn “giằng co”, áp lực bán mạnh đã xuất hiện nhiều hơn, nhưng vẫn chưa đủ để làm VNIndex thay đổi xu hướng tăng hiện có. Từ đó, nhà đầu tư có thể bình tĩnh quan sát, nắm giữ danh mục của mình.
Nhà đầu tư cũng có thể sử dụng Stop Loss kỹ thuật khi cần thiết, kỹ thuật được nhắc đến ở đây là đường MA10, trong trường hợp NĐT cảm thấy đếm ngày phân phối vẫn chưa dẫn đến quyết định rõ ràng hơn thì MA10 sẽ giúp chúng ta làm được điều đó.
MA10 – thuộc nhóm chỉ số trung bình động trong phân tích kỹ thuật: đây là nhóm chỉ số kỹ thuật sử dụng tốt nhất trong thời điểm thị trường có xu hướng mạnh (như tăng/giảm mạnh). Thường cách giao dịch ở nhóm chỉ số này là dùng làm kháng cự/hỗ trợ, điểm giao cắt giữa đường nhanh và đường chậm,…để đưa ra quyết định mua/bán.
Trong thời điểm thị trường đã tăng 1 nhịp mạnh từ tháng 6, việc sử dụng đường MA10 làm hỗ trợ là một phương pháp tham khảo dành cho NĐT. Cụ thể hơn, trường hợp VNIndex mà xuyên thủng đường MA10 dứt khoát kèm thanh khoản cao – thì đó là 1 tín hiệu để để ra hành động BÁN.
Hình trên là đồ thị VNIndex giai đoạn cuối năm 2020 – thời điểm mà tính chất thị trường cũng rất giống bây giờ: thị trường tăng lên trong nghi ngờ, cũng như thường xuyên xuất hiện các phiên có GTGD hơn 20 nghìn tỷ thể hiện dòng tiền mạnh mẽ.
Ở giai đoạn 2020 này, VNIndex tăng từ từ, chậm chậm từng phiên xuyên suốt từ tháng 11/2020 -> tháng 1/2021, nhưng tuyệt nhiên không xuyên thủng đường MA10. Kịch bản xấu xảy ra vào ngày 19/01/2021, VNIndex giảm điểm mạnh xuyên thủng MA10 kèm thanh khoản lớn, sau đó VNIndex giảm 100 điểm trong 2 tuần, nhiều cổ phiếu đã giảm từ 10% - 20% trong khoản thời gian đó.
Kết hợp cả 2 cách làm là Đếm ngày phân phối và Stop Loss theo đường MA10 thì VNIndex hiện vẫn đang ở nhịp tăng mạnh của nó.
Triển vọng thị trường
VNIndex vẫn giữ xu hướng thị trường bò tót sau khi tạo đáy lớn kể từ tháng 11 năm 2022. Thị trường bò tót (bull market) là tình trạng của một thị trường tài chính trong đó giá đang tăng hoặc dự kiến sẽ tăng, được xác định khi chỉ số giá cổ phiếu tăng từ 20% trở lên so với mức đáy gần nhất.
Thuật ngữ “thị trường bò tót” được dành để chỉ các khoảng thời gian dài khi phần lớn giá cổ phiếu tăng lên. Thị trường bò tót thường kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm. Theo thống kê của Hartford Funds, thị trường bò tót kéo dài trung bình 991 ngày, tức là 2.7 năm.
Các yếu tố vĩ mô ủng hộ VNIndex giữ trong chu kỳ tăng mới có thể điểm đến như sau:
Fed đang tiến gần đến ngừng tăng lãi suất, kỳ vừa rồi, lãi suất tăng 25bps không bất ngờ và phù hợp khi tình hình lạm phát đã sụt giảm. Trung Quốc cũng có các chính sách thúc đẩy kinh tế, vực dậy thị trường bất động sản: thời gian gần đây, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đã tăng áp lực lên các ngân hàng để nới lỏng các điều khoản vay cho các công ty bất động sản.
Chính sách tiền tệ đã đi từ thắt chặt sang nới lỏng liên tục. Dự kiến sắp tới còn tiếp tục hạ trần huy động.
Và đặc biệt, quan trọng nhất chính là sự cải thiện doanh thu lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nửa năm sau 2023. Hiện rất nhiều nhà đầu tư băn khoăn với câu hỏi: Tại sao VNIndex tăng liên tục trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thấy, mặc dù KQKD của các doanh nghiệp vào quý 2/2023 vẫn rất tệ hại, nhưng nó đã “cải thiện”:
Dựa theo ước tính của VNDS, lợi nhuận ròng quý 2/2023 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) giảm 12.9%. Tuy nhiên, con số này đã cải thiện rất nhiều so với quý 1/2023 (- 19.3%) và Quý 4/2022 (-32.5%).
Việc lợi nhuận quý 2/2023 tuy xấu nhưng “bớt xấu” chính là tín hiệu tích cực cho một sự phục hồi.
Điểm đáng lưu ý khác là biên lợi nhuận gộp của thị trường tiếp tục phục hồi. Biên lợi nhuận gộp của thị trường trong quý 2/2023 (không bao gồm ngân hàng) đã cải thiện lên 16.5% từ mức 15.4% trong Quý 1/2023. Trong đó, biên lợi nhuận gộp của Bất động sản đã tăng lên 31.0% trong Quý 2/2023 từ mức 21.6% quý trước, chủ yếu bởi VHM ghi nhận bàn giao các dự án Vinhomes Ocean Park 2. Các nhóm ngành khác cũng chứng kiến biên lợi nhuận gộp cải thiện như Dịch vụ Hỗ trợ (+4.8% điểm %), Kim loại Công nghiệp (+1.8% điểm %) và Sản xuất Thực phẩm (+1.9% điểm %).
Câu chuyện được kỳ vọng là kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Các thông điệp của Chính phủ gần đây cho thấy quyết tâm đạt tăng trưởng GDP 9% trong nửa cuối năm 2023. Để thực hiện điều này, Chính phủ sẽ tiếp tục chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng, lãi suất cho vay thấp hơn giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Đơn hàng xuất khẩu nông sản và hàng hóa công nghiệp của Việt Nam có khả năng phục hồi từ Q4/23.
Trở lại với VN-Index, thị trường thường đi lên trong nghi ngờ và lo ngại của nhà đầu tư. Do đó, nhịp điều chỉnh này là cần thiết, lành mạnh cho sự đi lên bền vững của thị trường.