Hỏi đáp những vấn đề về Xử lý vi phạm thành viên của MXV
Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người hiểu hơn về những hoạt động quản lý thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đặc biệt là những vấn đề xoay quanh hình thức xử lý vi phạm thành viên.
Theo Báo Công Thương, trong tuần qua đã nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả về những hoạt động quản lý thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đặc biệt là những vấn đề xoay quanh hình thức xử lý vi phạm thành viên. Một số câu hỏi điển hình có thể kể đến như:
“Hiện tại MXV đang có những hình thức xử lý thành viên vi phạm nào?” - câu hỏi của bạn đọc Trần Minh Kiên, đến từ Hải Phòng.
“Tôi có quyền khiếu nại nếu không đồng tình với quyết định xử phạt của MXV không?” - câu hỏi của bạn Phạm Thanh Lan, Hà Nội.

MXV có những hình thức xử lý thành viên vi phạm nào?
Theo Bộ Quy định xử lý vi phạm thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, các hình thức xử lý vi phạm gồm có hình thức xử lý vi phạm chính cùng với hình thức xử lý vi phạm bổ sung. Đối với mỗi hành vi vi phạm, thành viên vi phạm sẽ bị áp dụng một hình thức xử lý vi phạm chính; đồng thời có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử lý vi phạm bổ sung.
Cụ thể, đối với hình thức xử lý vi phạm chính mà Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam hiện đang áp dụng một số hình thức sau:
Nhắc nhở bằng văn bản:
Nhắc nhở bằng văn bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng, vi phạm lần đầu.
Cảnh cáo:
Cảnh cáo được áp dụng đối với hành vi vi phạm sau:
Đã bị nhắc nhở bằng văn bản nhưng tái phạm hoặc tái vi phạm;
Vi phạm lần đầu đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động được áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau:
Đã bị cảnh cáo nhưng tái phạm hoặc tái vi phạm;
Vi phạm lần đầu đối với các hành vi vi phạm rất nghiêm trọng;
Hành vi vi phạm từ mức nghiêm trọng mà MXV xét thấy cần xử lý để tạo tính răn đe hoặc để bảo vệ quyền lợi của Khách hàng;
Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, các thành viên phải thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ với MXV, gồm có: Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Những thành viên bị đình chỉ một phần hoạt động sẽ không được triển khai một hoặc nhiều nghiệp vụ bao gồm nhưng không giới hạn: Đóng/mở tài khoản; Nộp/rút tiền; Giao dịch hàng hóa; Tự doanh.
Những thành viên bị đình chỉ toàn bộ hoạt động sẽ không được triển khai toàn bộ các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động sau đây tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, bao gồm nhưng không giới hạn: Đóng/mở tài khoản; Nộp/rút tiền; Giao dịch hàng hóa; Tự doanh.
Chấm dứt tư cách thành viên
Đối với những hành vi vi phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên. Trong trường hợp áp dụng biện pháp này, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ báo cáo lên Bộ Công Thương bằng văn bản.
Đối với hình thức xử lý vi phạm bổ sung, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam hiện đang triển khai những hình thức dưới đây:
Công bố thông tin toàn thị trường;
Buộc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến việc làm rõ hoạt động giao dịch đáng ngờ của thành viên và/hoặc Khách hàng của thành viên;
Hạn chế mở mới tài khoản giao dịch hàng hóa bằng hình thức bảo lãnh;
Không xem xét tăng hạn mức giao dịch (có thời hạn);
Giảm hạn mức giao dịch;
Hạn chế hoặc không cho mở mới tài khoản giao dịch hàng hóa;
Kiểm soát, hạn chế một phần giao dịch có thời hạn;
Giám sát đặc biệt: thành viên định kỳ báo cáo tình trạng hoạt động theo yêu cầu của MXV. Trong trường hợp cần thiết, MXV có thể cử cán bộ giám sát trực tiếp tại trụ sở của thành viên.

Những hành vi được coi là vi phạm cần xử lý
Các hành vi vi phạm được quy định tại Bộ Quy định xử lý vi phạm Thành viên bao gồm:
1. Vi phạm nghĩa vụ và điều kiện duy trì tư cách Thành viên;
2. Vi phạm các quy định về chế độ báo cáo;
3. Vi phạm các quy định về chế độ công bố thông tin;
4. Vi phạm các quy định trong hoạt động truyền thông;
5. Vi phạm các quy định trong hoạt động quản lý giao dịch;
6. Vi phạm các quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động giao dịch hàng hóa;
7. Vi phạm các quy định trong hoạt động quản lý rủi ro;
8. Vi phạm các quy định trong hoạt động thanh toán bù trừ;
9. Vi phạm các quy định về nghĩa vụ tài chính.
Quyền khiếu nại của thành viên đối với các nội dung trong Quyết định xử lý vi phạm
Quy định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nêu rõ, trong vòng 15 ngày kể từ ngày Quyết định xử lý vi phạm có hiệu lực, các thành viên có quyền yêu cầu MXV xem xét lại Quyết định xử lý vi phạm. Đồng thời, thành viên cũng có nghĩa vụ thực hiện theo Quyết định xử lý vi phạm có hiệu lực của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho đến khi có Quyết định khác. Trường hợp Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam từ chối xem xét lại Quyết định xử lý vi phạm sẽ có văn bản trả lời thành viên trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Trong trường hợp thành viên bị xử lý vi phạm theo hình thức đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động và muốn được khôi phục hoạt động trước thời hạn thì phải khắc phục hậu quả trước thời hạn của hành vi vi phạm, đồng thời đủ điều kiện giao dịch, phải gửi văn bản thông báo đến Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Sau đó, Sở sẽ xem xét ra Quyết định khôi phục hoạt động cho thành viên nếu thành viên đó đạt yêu cầu.