Hỏi đáp những vấn đề xoay quanh việc Tạm dừng tư cách thành viên tại MXV
Nhiều khi, các thành viên muốn tạm dừng tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nhưng không biết phải làm thế nào. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người hiểu hơn về những vấn đề xoay quanh việc Tạm dừng tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).
Tiếp nối cho chuyên mục Hỏi đáp các vấn đề về Giao dịch Hàng hóa trong số trước, theo Báo Công Thương, số này sẽ tiếp tục đề cập đến những vấn đề có liên quan đến vấn đề tạm dừng tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.
“Điều kiện để tạm dừng tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) là gì?” - câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Thành Long đến từ Quảng Ninh.
“Đối với thành viên kinh doanh, thủ tục và nghĩa vụ để tạm dừng tư cách thành viên là gì?” - câu hỏi của bạn đọc Trần Ngọc Lâm đến từ Nam Định.

Điều kiện để tạm dừng tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam là gì?
Theo như Quy chế thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, các thành viên (bao gồm cả thành viên kinh doanh và thành viên môi giới) nếu như muốn tạm dừng tư cách thành viên của mình thì phải đảm bảo được những điều kiện dưới đây:
Đầu tiên, các thành viên phải hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ của mình với Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nói riêng và Khách hàng nói chung, trước khi được MXV chấp thuận tạm dừng tư cách thành viên.
Thứ hai, việc tạm dừng tư cách thành viên của thành viên kinh doanh (TVKD) và thành viên môi giới (TVMG) sẽ không được ảnh hưởng đến quyền lợi Khách hàng (nếu có).
Thứ ba, các thành viên có thể gia hạn thời gian tạm dừng tư cách thành viên tối đa 01 (một) lần, tuy nhiên tổng thời gian tạm dừng tư cách thành viên sẽ không quá 12 (mười hai) tháng kể từ ngày Quyết định chấp thuận tạm dừng tư cách thành viên do Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam ban hành chính thức có hiệu lực.
Cuối cùng, các thành viên bắt buộc phải hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ của mình với Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cũng như Khách hàng trước khi được MXV chấp thuận tạm dừng tư cách thành viên.
Thủ tục chấp thuận tạm dừng tư cách Thành viên Kinh doanh
Theo tìm hiểu, một khi các Thành viên Kinh doanh đã đạt đủ những điều kiện ở trên thì vẫn phải tiếp tục hoàn thiện những thủ tục dưới đây để được Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam chấp thuận tạm dừng tư cách thành viên.
Đầu tiên, các Thành viên Kinh doanh phải hoàn thiện Hồ sơ đề nghị chấp thuận tạm dừng tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Hồ sơ này bao gồm:
Giấy đề nghị tạm dừng tư cách thành viên.
Quyết định của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ sở hữu về việc tạm dừng tư cách thành viên.
Biên bản thanh lý các hợp đồng còn hiệu lực ký với các Khách hàng ủy thác hoặc tài liệu hợp lệ xác nhận thành viên đã hoàn thành việc bàn giao quyền, trách nhiệm quản lý tài khoản ủy thác cho Thành viên Kinh doanh khác (nếu có).
Thông báo ngừng mở mới tài khoản giao dịch hàng hóa với Khách hàng.

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo những nội dung trên, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ ra Quyết định chấp thuận tạm dừng tư cách thành viên. Trong trường hợp từ chối, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ trả lời Thành viên Kinh doanh bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
Nếu như các Thành viên Kinh doanh muốn hoạt động trở lại, những thành viên này trước khi hết thời hạn tạm dừng 45 (bốn mươi lăm) ngày sẽ phải gửi đề nghị về việc sẵn sàng hoạt động trở lại. Căn cứ vào đề nghị của Thành viên Kinh doanh, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ xem xét khôi phục tư cách thành viên. Trong trường hợp Thành viên Kinh doanh không thông báo cho Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đúng thời hạn thì MXV sẽ xem xét chấm dứt tư cách thành viên.
Khi tạm dừng tư cách Thành viên Kinh doanh thì phải thực hiện những nghĩa vụ gì?
Để được tạm dừng tư cách thành viên, các Thành viên Kinh doanh bắt buộc phải hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ dưới đây:
Đầu tiên, thông báo cho Khách hàng về lý do tạm dừng tư cách thành viên cũng như việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo uỷ thác của Khách hàng.
Thứ hai, cần phải thông báo cho thành viên Môi giới mà Thành viên Kinh doanh hợp tác kinh doanh về việc tạm dừng tư cách thành viên.

Đồng thời, đảm bảo toàn bộ tài khoản giao dịch của Khách hàng và của Thành viên Kinh doanh không còn nắm giữ trạng thái mở.
Tiếp theo, thực hiện các nghĩa vụ đã phát sinh với Khách hàng và các chủ thể khác liên quan đến hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Trong trường hợp gây thiệt hại, thành viên này phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, phải hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác đối với Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam và Khách hàng của Thành viên Kinh doanh trong thời gian tạm dừng tư cách thành viên (nếu có phát sinh).