Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc vượt ngưỡng 100 tỷ USD sau 8 tháng

Thiên Bình 08/09/2023 17:40

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 103,92 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta trong 8 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, quốc gia này vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, theo ước tính, kim ngạch ước đạt 68,13 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, quy mô kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc năm 2018 đạt 100 tỷ USD. Đó là thị trường đầu tiên ghi nhận con số lớn kỷ lục này.

Rau quả là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc

Trung Quốc hiện đang là thị trường quan trọng của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện…

Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi giữ gần 65% kim ngạch. Ngoài sầu riêng rất được ưa chuộng, xuất sang thị trường này thời gian tới sẽ có thêm mít. Quốc gia tỷ dân cũng đang cân nhắc cho dừa tươi nước ta được xuất khẩu chính ngạch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, việc dỡ bỏ lệnh hạn chế dịch bệnh của Trung Quốc đã giải phóng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, quốc gia này cũng đã thực hiện nhiều chính sách kinh tế mạnh mẽ hỗ trợ phát triển nền kinh tế, theo đó nhu cầu nhập khẩu đi lên. Theo dự báo của WB, trong năm nay, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ hồi phục lên mức 5,6%.

Xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc từ nay đến cuối năm dự báo sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ. Một số nhóm hàng như gạo, rau quả, điều vẫn sẽ duy trì tăng trưởng cao. Trong 6 tháng đầu năm, các mặt hàng sụt giảm mạnh như gỗ, thủy sản, sắn có thể hồi phục nhẹ trong quý IV.

Bộ Công Thương khuyến nghị, các đơn vị doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chủ động nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc để hoạt động xuất khẩu sang thị trường này phát triển ổn định trong thời gian tới.

Cùng với đó là phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới hay tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận cũng như hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc ở các cửa khẩu trong dịp cao điểm.

Không chỉ cần nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc…, các doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh tham dự vào các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các cơ quan, địa phương trung ương nước phối hợp tổ chức để đẩy mạnh kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của đại dịch.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc tăng 5,47% so với năm 2021 khi đạt 175,56 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%, còn xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc vượt ngưỡng 100 tỷ USD sau 8 tháng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO