Loạt cổ phiếu rục rịch tăng giá nhờ xuất khẩu phục hồi, có mã lập đỉnh lịch sử

Thu Y 21/09/2023 09:15

Dễ dàng nhận thấy, cổ phiếu của những nhóm doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, dệt may, sắn… đều đang rục rịch tăng giá nhờ xuất khẩu đang dần phục hồi rõ nét.

Thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang dần phục hồi rõ nét hơn sau những tháng đầu năm đầy khó khăn. Tháng 8/2023, hoạt động xuất khẩu hàng hóa ghi nhận những tín hiệu tích cực, tăng 7,7% so với tháng liền trước và ước đạt hơn 32 tỷ USD, theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan. Đáng chú ý, đây là tháng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 12 tháng trở lại đây và là tháng thứ 4 liên tiếp tăng trưởng.

Thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang dần phục hồi rõ nét hơn sau những tháng đầu năm đầy khó khăn

Một số mặt hàng như dệt may, thủy sản, da giày, gỗ, gạo, sắn… cùng thị trường xuất khẩu chính đi Mỹ, EU, Trung Quốc… cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan hơn.

Nhiều mã lập đỉnh lịch sử

Xuất khẩu hồi phục rõ nét giúp cổ phiếu của các nhóm doanh nghiệp liên quan diễn biến khả quan hơn.

Trên sàn chứng khoán, spotlight hiện nay thuộc về nhóm cổ phiếu thủy sản, điển hình như CMX của Camimex Group, FMC của Thực phẩm Sao ta, VHC của Vĩnh Hoàn, ACL của XNK Thủy sản Cửu Long An Giang,... Những mã này trong phiên 20/9 đã bật tăng mạnh từ 3% cho đến gần 6%. Ngoài ra, mã IDI của Đầu tư & Phát triển Đa Quốc Gia đã lộ trần với mức tăng 5,67%, mã ANV của Nam Việt tăng hết biên độ. Ngoài thị giá tăng cao, khối lượng khớp lệnh của nhiều cổ phiếu cũng tăng đột biến. Cao kỷ lục là ANV với hơn 5 triệu cổ phiếu được “sang tay”.

Nhóm cổ phiếu thủy sản chốt phiên 20/9

Không hề kém cạnh, nhóm cổ phiếu dệt may cũng đua nhau bứt phá. Đáng chú ý, GIL của Gilimex trong phiên 20/9 đã ngập tràn sắc tím. TNG của Đầu tư và Thương mại TNG và VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam lần lượt tăng 6,6% và 6,2%. Các mã khác như MSH, GMC, HTG, TCM, STK,.. cũng tăng vượt trội so với thị trường chung, ở mức 2% đến 4%.

Nhóm cổ phiếu dệt may chốt phiên 20/9

Cổ phiếu với mặt hàng xuất khẩu sắn cũng tăng trưởng tích cực. Cổ phiếu CAP của Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái phiên 20/9 ghi nhận thị giá chốt phiên ở mức kỷ lục 80.000 đồng/cổ phiếu. Cũng trong phiên này, mã SKV của Yến Sào Khánh Hòa bật tăng tới 4,5%, tiến sát mốc 40.000 đồng/cổ phiếu nhờ kỳ vọng từ việc xuất khẩu yến sào chính ngạch vào Trung Quốc.

Cổ phiếu CAP của Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái phiên 20/9 ghi nhận thị giá chốt phiên ở mức kỷ lục 80.000 đồng/cổ phiếu

Xuất khẩu càng thêm khởi sắc trong những tháng cuối năm?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ càng khởi sắc hơn nữa, nhờ được hỗ trợ bởi hàng loạt các yếu tố như lạm phát hạ nhiệt, tồn kho giảm. Đặc biệt, sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam đã nâng tầm mối quan hệ 2 nước lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu đối với những mặt hàng lợi thế của Việt Nam sang nền kinh tế số 1 thế giới.

Những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ hiện nay vẫn là dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ nội thất… Mỹ là thị trường giàu tiềm năng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi có hơn 300 triệu người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường này cũng có sự cạnh tranh, có tiêu chí cao với hàng nhập khẩu, hàng loạt tiêu chuẩn mới cần phải đáp ứng như tiêu dùng xanh, sản xuất bền vững,...

Trong một báo cáo mới đây của SSI Research về triển vọng của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới, đơn vị này cho biết, Vinatex nhận định rằng sự phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn. Nguyên nhân bởi, việc chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu sẽ cần phải có thời gian để phục hồi.

Dệt may và thủy sản được kỳ vọng khởi sắc trong những tháng cuối năm

Theo SSI, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước nửa cuối năm nay kỳ vọng những đơn đặt hàng trong quý 3/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý 2/2023. Đồng thời, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện sau đợt giảm giá mạnh tại các kỳ nghỉ lễ của quý 4/2023. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp đều đã ghi nhận mức nền thấp trong quý 4/2022. Vì thế, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay trong quý cuối cùng của năm nay.

Đối với nhóm thủy sản, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8 là 170 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 12%. Điều đáng nói, mức giảm này đã thu hẹp đáng kể so với các tháng trước đó, bởi mức giảm trong các tháng 5, 6, 7 đều dao động trong khoảng 23-36%. Hai thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Trung Quốc và Mỹ.

Đối với các nhà sản xuất cá tra niêm yết tại Việt Nam, IDI, ANV và VHC đều có sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo kỳ vọng của SSI, những công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu có lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm nay nhờ các loại chi phí giảm, điển hình như giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu cùng với thức ăn thủy sản) và chi phí vận chuyển giảm.

Cũng theo SSI Research, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu sang thị trường Mỹ như VHC trong quý 3/2023 sẽ ghi nhận lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ vì giá bán trung bình đã đạt đỉnh trong quý 3/2022 và tăng trưởng lợi nhuận dương từ quý 4/2023. Bên cạnh đó, ANV cũng được hưởng lợi đáng kể nhờ việc miễn thuế chống bán phá giá của Mỹ trong năm nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Loạt cổ phiếu rục rịch tăng giá nhờ xuất khẩu phục hồi, có mã lập đỉnh lịch sử
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO