Ngân hàng đua nhau đặt mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục
Các ngân hàng đồng loạt đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 5% đến hơn 30% cho năm 2025, trong bối cảnh tín dụng sớm khởi sắc và mặt bằng lãi suất ổn định. Nhiều ngân hàng kỳ vọng đạt lợi nhuận tỷ USD, củng cố vị thế trong hệ thống tài chính.
Loạt ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận tăng hai chữ số
Năm 2025, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đồng loạt đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tham vọng, với nhiều ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng hai chữ số, trong bối cảnh tín dụng ngay từ đầu năm đã khởi sắc và mặt bằng lãi suất được giữ ổn định để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank dẫn đầu với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 44.300 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm trước, cao nhất toàn hệ thống. BIDV cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng tăng trưởng từ 6-10%, sau khi đạt hơn 31.383 tỷ đồng trong năm 2024, tương đương mức tăng 14%.
Tại nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20-25%, tương đương 24.000 - 25.000 tỷ đồng trong năm 2025. MB đề ra kế hoạch tăng lợi nhuận từ 8-10% so với con số 28.000 tỷ đồng đạt được năm 2024, đồng thời kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7% và duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. ACB kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5%.
HDBank, theo chia sẻ của Giám đốc Tài chính Phạm Văn Đẩu, dự kiến đạt mức lợi nhuận trước thuế 20.000 tỷ đồng, tăng 25% nhờ đẩy mạnh cho vay phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân tại các đô thị loại 2 và khu vực nông thôn – nơi có tiềm năng lớn và rủi ro thấp. VIB sẽ trình đại hội cổ đông kế hoạch lợi nhuận 11.020 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Một số ngân hàng khác như Eximbank, Nam A Bank cũng đặt mục tiêu lãi trước thuế trên 20.000 tỷ và 5.500 tỷ đồng tương ứng.
Tăng trưởng tín dụng 16% của Việt Nam là khả thi
Đà tăng trưởng này được hỗ trợ bởi tín dụng khởi sắc ngay từ đầu năm. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến thời điểm hiện tại tín dụng toàn ngành đã tăng gần 1%, trái ngược hoàn toàn với mức âm 0,74% của cùng kỳ năm 2023 và 2024. NHNN cũng đã sớm đề ra các giải pháp điều hành linh hoạt để thúc đẩy dòng vốn chảy vào nền kinh tế.
Trong các kế hoạch trình đại hội cổ đông, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao. BIDV định hướng tăng trưởng tín dụng từ 15-16%, đi kèm điều tiết huy động phù hợp để đảm bảo tỷ lệ LDR. Vietcombank kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt 16,28% và giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. VPBank đặt kỳ vọng tăng trưởng tín dụng từ 30-40% ở hai phân khúc chiến lược là bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời khôi phục động lực tăng trưởng tại FE Credit với mục tiêu tín dụng 15%.
Các tổ chức quốc tế và chuyên gia trong nước cũng đưa ra nhận định tích cực về triển vọng ngành ngân hàng năm nay. Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của Việt Nam là khả thi trong bối cảnh lãi suất ổn định, chính sách điều hành linh hoạt và lạm phát được kiểm soát. Theo ông, NHNN có cơ sở để duy trì lãi suất điều hành hiện tại, đồng thời tiếp tục mở rộng các gói tín dụng thúc đẩy tăng trưởng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng đi ngang, thậm chí giảm nhẹ trong thời gian tới, trong khi lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp đến giữa năm 2025, giúp kích thích tín dụng nhưng cũng tạo áp lực lên biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng. Tuy nhiên, trong môi trường lãi suất thấp, các ngân hàng sẽ phải tập trung cải thiện chất lượng tín dụng và đa dạng hóa nguồn thu.
Công ty Chứng khoán MBS đánh giá tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt từ 17-18%, trong khi lợi nhuận sau thuế của nhiều ngân hàng lớn sẽ tăng mạnh. MBS dự báo VietinBank và OCB có thể ghi nhận mức tăng lợi nhuận lần lượt 30,8% và 32,6%. Các ngân hàng như ACB, TPBank, Eximbank, Techcombank, VIB, HDBank và VPBank đều được kỳ vọng tăng lợi nhuận trên 18%, trong khi MB, BIDV, Sacombank và Vietcombank tăng ở mức một chữ số.
Tổng thể, năm 2025 được kỳ vọng sẽ tiếp tục là năm tăng trưởng tích cực của ngành ngân hàng Việt Nam, với động lực đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng, sức cầu tín dụng cải thiện, mặt bằng lãi suất hợp lý và kỳ vọng kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, các rủi ro từ môi trường quốc tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ của Mỹ và các yếu tố địa chính trị toàn cầu, vẫn cần được theo dõi sát sao.