Ngành xi măng gặp áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra: Biện pháp nào để "tháo gỡ" khó khăn?

Phạm Thị Tâm 17/12/2023 09:35

Ghi nhận, trong lịch sử ngành xi măng, từ thời điểm hình thành cách đây hơn 100 năm cho đến hiện tại, đây chính là giai đoạn khó khăn nhất bởi khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong nước kém, trong khi đầu vào lại tăng.

Trong tọa đàm “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng”, các đại biểu nhận định ngành xi măng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn cũng như thách thức, có không ít doanh nghiệp phải sản xuất xi măng còn phải đóng cửa hay giảm sản lượng để giảm thiểu thiệt hại.

Hiện tại là giai đoạn khó khăn nhất của ngành xi măng

Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam - PGS. TS Lương Đức Long nhận định, trong lịch sử của ngành xi măng kể từ thời điểm hình thành cách đây hơn 100 năm cho đến hiện tại thì đây là giai đoạn ngành xi măng khó khăn nhất. Bởi vì ngành này hiện đang chịu áp lực về đầu ra, khi mà khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong nước kém và đầu vào tăng bởi giá năng lượng tăng khiến cho ngành này chịu một sức ép không hề nhỏ.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vissai Hà Nam - ông Phạm Việt Cường cho biết: “Khi giá đầu vào như thế, tất yếu chi phí sản phẩm sẽ cao, dẫn đến vượt giá bán mà thị trường chấp nhận được, hệ quả chính là việc bán hàng giảm xuống. Hơn thế, nguồn xi măng lại quá lớn cũng ảnh hưởng đến sản lượng bán hàng của một số công ty, trong đó có Công ty Cổ phần Vissai Hà Nam. Ở thời điểm hiện tại, với Vissai Hà Nam, dây chuyền 2 bị dừng từ ngày 18/5 và dây chuyền 1 đang xem xét, cân nhắc việc sản xuất tiếp hay tạm dừng bởi vì mức lỗ quá lớn”.

Cũng tương tự, Trưởng bộ phận phát triển bền vững và truyền thông doanh nghiệp INSEE Việt Nam - ông Đào Nguyên Khánh thông tin, trước tình hình tiêu thụ nội địa gặp khó, 2023 được đánh giá là năm có doanh số bán hàng thấp nhất trong nhiều năm hoạt động của công ty. Ước tính doanh số bán hàng của công ty sẽ giảm đến 35%.

Ngành xi măng hiện nay gặp áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra. Nguồn ảnh: Internet

Còn Phó Vụ trưởng, Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - TS. Nguyễn Quang Hiệp cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, sản xuất xi măng đã sụt giảm 12% còn tiêu thụ trong nước giảm 16%. Lý giải về nguyên nhân, ông Hiệp cho biết bởi sự sụt giảm của thị trường bất động sản mà doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này gặp vướng, các dự án phải giảm và giãn tiến độ. Ở chiều hướng khác, hoạt động xây dựng đầu tư công diễn ra chậm, cho nên nhu cầu xi măng sụt giảm.

Ông Hiệp cho hay: “Năm 20210, Việt Nam lần đầu tiên tự cung cấp đủ clinker, xi măng để phục vụ đủ nhu cầu xây dựng nội địa và bắt đầu dành một phần sản lượng xi măng, clinker để xuất khẩu, hình thành những nhà máy sản xuất xi măng với quy mô lớn có công nghệ tiên tiến, làm tăng khả năng cạnh tranh ở trong khu vực lẫn trên thế giới. Cho đến năm 2021, năng lực sản xuất đã đạt 106,2 triệu tấn xi măng, năm 2023 năng lực thiết kế đạt mức 112,5 triệu tấn, thậm chí trên thực tế có thể sản xuất trên 125 triệu tấn. Mặc dù vậy thì nhu cầu trong nước chỉ bằng hơn một nửa đã khiến cho doanh nghiệp lao đao”.

Các chuyên gia cho biết, khi xây dựng quy hoạch xi măng, nếu như việc tiêu thụ xi măng diễn ra đúng như dự báo hấp thụ của nền kinh tế thì không thừa, tuy nhiên trên thực tế tiêu thụ xi măng nội địa không được như kịch bản, vì thế mà sinh ra hiện tượng cung vượt cầu.

Chuyên giá nhấn mạnh, thống kê thời gian gần đây cho thấy, trong 12 doanh nghiệp xi măng niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 thì có 10 doanh nghiệp báo lỗ, 1 doanh nghiệp giảm lãi, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng.

Nguồn ảnh: Internet

Để tháo gỡ khó khăn, ngành xi măng cần hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường

Theo TS.Nguyễn Quang Hiệp, để giúp cho ngành xi măng vượt qua khó khăn hiện nay thì cần định hướng về mặt chính sách nhằm giải quyết những vấn đề nội tại của ngành, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.

Chi tiết, tiếp tục thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó thì các bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi cũng như đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn. Song song với đó là thực hiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Và Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; về chính sách thuế, đề nghị Chính phủ tạm giữ thuế xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm thời gian 2 năm.

Cũng theo đó, ông Hiệp lưu ý các doanh nghiệp phải chủ động trong việc đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả năng lượng, tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để có thể tiết giảm chi phí sản xuất nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Nguồn ảnh: Internet

Nêu ý kiến, ông Đào Nguyên Khánh kiến nghị mức lãi suất dành cho việc xây sửa nhà, đầu tư bất động sản cần phải giảm xuống. Bên cạnh đó, mảng bán lẻ chính là mảng rất lớn trong việc tiêu thụ xi măng trong nước, tuy nhiên hiện nay qua khảo sát thị trường TP. Hồ Chí Minh và miền Nam thì thấy công trình nhỏ lẻ vẫn ít so với thời gian trước. Điều này là minh chứng niềm tin của người dân cũng như nhà đầu tư ở mức độ trung bình đã đi xuống. Chính vì thế, kỳ vọng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa nhằm mục đích thúc đẩy thị trường bất động sản tăng lên.

Cũng đồng quan điểm, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam - Phạm Văn Đoàn nhấn mạnh, sản xuất xi măng phải theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Bởi vì ở bối cảnh hiện nay, phát triển xi măng hướng đến thân thiện với môi trường, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên khoáng sản không tái tạo và sử dụng vật liệu xanh bền vững chính là giải pháp mang tính tối ưu từ đó tạo ra sự cạnh tranh ở thị trường trong lẫn ngoài nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngành xi măng gặp áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra: Biện pháp nào để "tháo gỡ" khó khăn?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO