Nghệ An liên tục thu hút vốn đầu tư từ các ông lớn công nghệ nhờ lợi thế gì?
Nghệ An đã tập trung thu hút dòng vốn FDI để tạo đà phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân cũng như giảm tỉ lệ hộ nghèo. Địa phương phấn đấu thu hút từ 100 - 120 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 32.000 - 35.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Nghệ An liên tục được rót vốn từ các ông lớn công nghệ
Vốn được biết đến là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thuộc top dưới của cả nước, nhưng qua thời gian, Nghệ An cũng đã có sự cải thiện đáng kể.
Thu nhập bình quân của tỉnh năm 2016 đạt 1,82 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 54/63 địa phương. Sau đó 5 năm, con số đạt 3,095 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 45/63 địa phương. Vào năm 2022, Nghệ An đã cải thiện thêm 12 bậc với mức thu nhập bình quân đạt hơn 3,6 triệu đồng.
Ngoài ra, đây cũng là tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo luôn trong top 15 có tỉ lệ lớn nhất cả nước. Cụ thể, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh trong năm 2018 là 13,5%, xếp thứ 12 trên tổng số 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, đến năm 2022, con số giảm còn 6,2%, đứng thứ 23-63 địa phương.
Nghệ An đã tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong năm nay, địa phương phấn đấu thu hút từ 100-200 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 32.000 - 35.000 tỷ đồng; trong đó, vốn FDI khoảng 500 - 600 triệu USD.

Tỉnh hiện đã đạt mục tiêu khi đã thu hút được 890 triệu USD kể từ đầu năm, và mốc 1 tỷ USD đang rất gần khi sắp trao chứng nhận đầu tư cho 2 dự án mới.
Một số dự án nổi bật với tổng vốn đầu tư khủng như Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (199,8 triệu USD), Dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng (200 triệu USD), Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (500 triệu USD). Ngoài ra, còn có đối tác hàng đầu của Apple - Foxconn quyết định đầu tư 100 triệu USD tại Khu công nghiệp WHA Nghệ An.
Sức hút của Nghệ An
Ông Nguyễn Tiến Chung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH TERMO Việt Nam cho biết, có một số lý do khiến các doanh nghiệp chọn đầu tư xây dựng nhà máy tại tỉnh Nghệ An. Đầu tiên, tỉnh đã và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, được đánh giá là không hề kém so với các khu vực ở phía Bắc, nơi có nhiều nhà máy sản xuất.
Ngoài ra, thời gian di chuyển và cự ly giữa Hà Nội và Diễn Châu được rút ngắn do đường cao tốc sắp sửa được khánh thành vào đầu tháng này. Các cảng biển cũng đang được đầu tư để trở thành cảng giao thương chính tại Việt Nam như Vũng Áng, Nghi Sơn, Cửa Hội.
Ngoài ra, theo ông Chung, nguồn lao động tại Nghệ An được cho là có tiềm năng khai thác tốt trong bối cảnh Nghệ An và khu vực lân cận có tỷ lệ lao động lớn và được đào tạo bởi nhiều nhà máy và doanh nghiệp. Hiện nay, người Nghệ An đang đi làm chủ yếu ở các tỉnh thành xa, với số lượng doanh nghiệp lớn tại địa phương, tính cạnh tranh về lao động cũng chưa cao.
Chưa hết, chính sách 4 miễn, 9 giảm đối với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An cũng là lý do giúp Nghệ An có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp.
Ông Chung nhấn mạnh: “Thị trường của tỉnh Nghệ An hiện nay, với sự thiếu sót về hệ thống nhà cung cấp đa dạng, được đánh giá tương đồng với thị trường Bắc Ninh của 10 năm trước. Tuy nhiên, với sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp hiện nay đang lựa chọn điểm đến là Nghệ An, thì không lâu nữa thị trường Nghệ An sẽ càng được phát triển hơn, và dự kiến sẽ trở nên sôi động và sầm uất như Bắc Ninh ở thời điểm hiện tại”.