Petrolimex lần đầu trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ thấp nhất kể từ khi niêm yết
Theo thông báo mới nhất, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) đã công bố thông tin chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỉ lệ 7%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 700 đồng.
Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 22/9 và ngày 10/10/2023 công ty sẽ thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông. Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Petrolimex sẽ chi khoảng 942 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này.
Với việc sở hữu hơn 981 triệu cổ phiếu PLX, tương ứng 75,87% vốn của Petrolimex, dự kiến Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được chia cổ tức lên tới 687 tỷ đồng.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của PLX đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức 2022 với tỷ lệ 7% bằng tiền.
Kể từ khi niêm yết vào ngày 21/4/2017 tới nay, PLX luôn duy trì mức cổ tức bằng tiền với tỷ lệ từ 10% trở lên. Cụ thể, tỷ lệ cổ tức năm 2016 là 32,24% (1 cổ phiếu PLX được nhận 3.224 đồng). Tỷ lệ cổ tức năm 2017 là 30% (1 cổ phiếu PLX được nhận 3.000 đồng). Tỷ lệ cổ tức năm 2018 là 26% (1 cổ phiếu PLX được nhận 2.600 đồng). Tỷ lệ cổ tức năm 2019 là 30% (1 cổ phiếu PLX được nhận 3.000 đồng). Tỷ lệ cổ tức năm 2020 và năm 2021 là 12% (1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng).
Theo các chuyên gia, tỷ lệ cổ tức bằng tiền cho năm 2022 thấp nhất kể từ khi niêm yết là do năm 2022, Petrolimex hoạt động kinh doanh khó khăn trong bối cảnh giá dầu diễn biến phức tạp do tác động bất lợi của xung đột Nga-Ukraine. Ở trong nước, với việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất trong trong quý I/2022, Petrolimex phải tăng cường nhập khẩu thêm xăng dầu từ nước ngoài theo chỉ đạo của Bộ Công Thương trong điều kiện giá xăng dầu biến động bất thường để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường. Chính vì vậy, lợi nhuận cả năm 2022 của Petrolimex bị sụt giảm mạnh.

Về tình hình tài chính, trong nửa đầu năm 2023, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 133.182 tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp vẫn đạt 1.558,6 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. Công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2023 cao hơn cùng kỳ do tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu về cơ bản ổn định, có hiệu quả và không chịu tác động bất thường như cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác của Petrolimex về cơ bản ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ.
Dù vậy, lợi nhuận từ các công ty con, liên doanh liên kết kinh doanh hoá dầu, lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận ngoài xăng dầu của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ đã bình ổn trở lại không cao như cùng kỳ là giai đoạn tăng mạnh sau dịch Covid-19.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của công ty ghi nhận ở mức 79.712 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn lần lượt là 56.867 tỷ đồng và 22.845 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty là 16.148 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng với 8.349 tỷ đồng.
Năm 2023, PLX đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 190.000 tỷ đồng, giảm 38% so với thực hiện năm 2022; lãi trước thuế kỳ vọng tăng 42% lên 3.228 tỷ đồng. Với kết quả lãi trước thuế hơn 1.902 tỷ đồng trong 6 tháng, Tập đoàn thực hiện được gần 59% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch 13/9, cổ phiếu PLX tăng 0,75% và đóng cửa ở mức 40.300 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá PLX tăng 27,13%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 41.800 đồng/cổ phiếu (ngày 10/7) và giá đóng cửa thấp nhất là 32.950 đồng/cổ phiếu (3/1).