Phần lớn vốn tín dụng xanh đến từ quỹ đầu tư nước ngoài

Thiên Bình 02/10/2023 14:45

TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết, vốn tài trợ từ các quỹ đầu tư quan tâm tới trách nhiệm xã hội và môi trường là nguồn quan trọng giúp ngân hàng giành được lợi thế từ “mỏ vàng” tín dụng xanh.

“Tín dụng xanh” là khái niệm đang trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự chú ý của doanh nghiệp dân và ngân hàng. Các ngân hàng những năm qua đều thúc đẩy tín dụng xanh, tuy nhiên dư nợ mảng này chỉ mới chiếm 4,2% trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế, khoảng gần 528.000 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM đã đưa ra nhận định về thị trường tín dụng xanh ở Việt Nam tại tọa đàm trực tuyến “Tín dụng xanh: Mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững” sáng 2/10. Cụ thể, thị trường này còn khá mới, không phải là non trẻ, bởi lẽ nó đã phát triển được 7-8 năm nay.

Theo bà Văn Thành Khánh Linh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt (BVBank) chia sẻ, quỹ nước ngoài chiếm tới 80-90% danh mục cho vay xanh hóa của NHTM.

Quỹ nước ngoài chiếm tới 80-90% danh mục cho vay xanh hóa của NHTM (Ảnh minh họa)

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, thông thường dự án xanh tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với truyền thống do tính chất còn mới, thậm chí có dự án làm ở Việt Nam lần đầu như điện gió, mặt trời.

Ví dụ, một số doanh nghiệp đánh giá 5 - 7 năm sẽ thu hồi vốn, tuy nhiên thực tế chờ tới 20 năm mới thu xong. Điều đó khiến chi phí tăng và dòng tiền không được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng chịu tác động từ yếu tố thời tiết. Một số ngân hàng đã nhận vốn tài trợ từ quỹ đầu tư quan tâm tới môi trường, trách nhiệm xã hội để bù đắp những rủi ro đó.

Ông Huân cho rằng ngân hàng có thể chiếm được “mỏ vàng” của thị trường tín dụng xanh khi thu hút được dòng vốn trên.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết, thường thì các nhà đầu tư ngoại có tiêu chuẩn cao, đòi hỏi tiêu chí khắt khe. Tuy nhiên, theo ông, đó là cơ hội để thu hút được vốn ngoại, nên doanh nghiệp sẽ có bước tiến lớn.

Theo bà Linh, sự đầu tư và đồng hành của quỹ ngoại là đáng ghi nhận, Họ có sự kỷ luật rất cao, không có sự thông cảm hay ngoại lệ.

Thế nhưng, các chuyên gia cũng nhận định rằng nguồn tài trợ quốc tế đóng vai trò trong giai đoạn ban đầu, chỉ là những nguồn lực bên ngoài. Theo đó, cần tới sự tham gia của cả trong và ngoài nước để phát triển hoạt động tín dụng xanh hơn nữa.

Gợi ý 3 giải pháp thúc đẩy vốn cho tín dụng xanh

Ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM đã gợi ý 3 cách để phát triển thị trường tín dụng xanh tốt hơn.

Thứ nhất, ông cho rằng nên có chính sách để ổn định dòng tiền, giúp ngân hàng có vốn dài hạn để cho vay trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, NHNN có thể ưu đãi hơn cho các NHTM có dự án cấp tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi tái chiết khấu, tái cấp vốn.

Dư nợ xanh hiện chiếm 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế

Cuối cùng, cần xem xét tới con đường huy động vốn. Việt Nam hiện còn quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Tại ngân hàng, vốn ngắn hạn gửi tiết kiệm nhiều, còn các dự án cần tín dụng xanh lại đòi hỏi vốn trong trung và dài hạn.

Ông thông tin thêm: “Trong Luật tài nguyên môi trường giao rất rõ phát triển thị trường tín chỉ carbon, thị trường vốn… Thời gian tới, các Bộ, ngành, doanh nghiệp đều phải hành động, nhưng cũng cần có thời gian".

TS. Nguyễn Hữu Huân cũng có cùng ý kiện khi cho rằng cần các bên khác ngoài Chính phủ và NHNN tham gia để thúc đẩy tín dụng, nhất là nguồn vốn từ xã hội hóa.

Ông nói: “Hiện có nhiều tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường Việt Nam và nên tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm của họ để triển khai sản phẩm ở Việt Nam, nhất là trái phiếu xanh, sản phẩm phái sinh từ trái phiếu xanh”.

Ngoài ra, đại diện BVBank cũng cho rằng NHNN nên động viên bằng chính sách như cấp thêm room tín dụng cho NHTM nếu đạt đủ chỉ tiêu xanh hóa danh mục cho vay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phần lớn vốn tín dụng xanh đến từ quỹ đầu tư nước ngoài
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO