Việt Nam đội sổ về thành tích IPO năm 2023
Thống kê của Deloitte mới công bố cho thấy từ đầu năm đến nay Việt Nam có vỏn vẹn 3 doanh nghiệp IPO với số vốn huy động được là 7 triệu USD.
Những ngành hàng hút đầu tư
Trong 10,5 tháng đầu năm 2023, thị trường huy động vốn thông qua hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á đã có 153 thương vụ IPO và vốn hóa thị trường IPO. Mặc dù, số lượng thương vụ IPO tương đối ổn định, nhưng tổng số vốn IPO huy động chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua.
Theo số liệu từ Deloitte (tính đến ngày 15/11/2023), các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được khoảng 5,5 tỷ USD thông qua các thương vụ IPO từ đầu năm đến nay, giảm so với mức 7,6 tỷ USD huy động được từ 163 thương vụ IPO trong cả năm 2022.
Các công ty Đông Nam Á đang phát triển mạnh và có khả năng vượt ra ngoài khuôn khổ trong nước để thực hiện IPO xuyên biên giới. Thực tế này được thúc đẩy bởi một số yếu tố như kỳ vọng về mức định giá ưu đãi, thanh khoản được cải thiện, khả năng tương thích của ngành nghề và khẩu vị quen thuộc của nhà đầu tư với một số lĩnh vực nhất định. Do đó, các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn cầu cũng chú ý nhiều hơn đến các công ty tại Đông Nam Á và thiết lập những chủ trương mới hoặc cải tiến các chủ trương hiện có để nâng cao tính hấp dẫn, từ đó mở cửa thu hút các doanh nghiệp tăng trưởng cao này.
Có thể thấy số lượng các công ty niêm yết trên sàn giao dịch thứ cấp của các thị trường chứng khoán Đông Nam Á có xu hướng ngày càng tăng. Sàn thứ cấp tại các thị trường chứng khoán chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có mức tăng trưởng cao, và việc niêm yết trên các sàn thứ cấp này có thể được xem là bàn đạp để giao dịch trên các sàn giao dịch chính bởi các công ty có nguyện vọng IPO. Trạng thái công ty niêm yết có thể thúc đẩy các công ty này mở rộng tăng trưởng kinh doanh và huy động được nhiều vốn hơn.
Có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đông Nam Á có tiềm năng tăng trưởng tốt và một hệ sinh thái tài chính tốt có thể tạo môi trường phù hợp giúp các công ty này phát triển và tối đa hóa tiềm năng.
Năng lượng, Tài nguyên & Công nghiệp và Tiêu dùng là hai trong số những ngành sôi động nhất trên thị trường trong năm nay.
Ngành Năng lượng, Tài nguyên & Công nghiệp
Trong bối cảnh các quốc gia nỗ lực để đạt được các mục tiêu về khí hậu và thiết lập nền kinh tế trung hòa carbon, các công ty hoạt động trong lĩnh vực xe điện và năng lượng tái tạo đưa ra nhiều giải pháp năng lượng sạch như gió, mặt trời và địa nhiệt, cùng với những công ty cung cấp giải pháp môi trường khác, đang được đón nhận như một cách làm giảm lượng khí thải carbon. Điều kiện thuận lợi từ việc đẩy mạnh các công nghệ xanh như vậy chính là lý do để top 5 công ty niêm yết hàng đầu ở Đông Nam Á trong 10,5 tháng đầu năm 2023 đều là các công ty hoạt động trong lĩnh vực Năng lượng, Tài nguyên & Công nghiệp.
Ngành hàng tiêu dùng
Đông Nam Á quy tụ các nước đang phát triển với quy mô đang trên đà mở rộng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước đang phát triển này luôn vượt xa tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển.
Mức thu nhập tăng lên cùng với sự gia tăng dân số, nhờ có tầng lớp trung lưu trẻ và năng động đang ngày càng mở rộng về quy mô. Với năng lực tài chính và khả năng chi tiêu ngày càng tăng, không có gì ngạc nhiên khi ngành Tiêu dùng liên tục xuất hiện trong số ba ngành hàng đầu trong ba năm qua.
Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa tiếp tục định hình hành vi của người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á, các công ty trong ngành Tiêu dùng đang phát triển và tìm cách niêm yết cũng có những thay đổi. Từ các doanh nghiệp dựa trên các nhu cầu thiết yếu như nhà sản xuất mì ăn liền hoặc các sản phẩm thịt thay thế khác, chuyển hướng sang các doanh nghiệp tập trung vào trải nghiệm thương hiệu, giải trí, và các doanh nghiệp tận dụng công nghệ, chẳng hạn như nhà điều hành rạp chiếu phim và thậm chí có cả những doanh nghiệp bán sản phẩm dành cho thú cưng. Sự thay đổi này phản ánh sự phát triển trong nhân khẩu học tại khu vực khi giới trẻ tìm kiếm những trải nghiệm vượt xa nhu cầu cơ bản của họ.

Việt Nam kém sôi động
Thị trường IPO của Indonesia tiếp tục là điểm sáng ở Đông Nam Á, với tổng số vốn huy động được đạt mức cao nhất trong số các sàn giao dịch trong khu vực, đạt 3,6 tỷ USD với 77 thương vụ IPO. Indonesia đã cố gắng duy trì động lực tăng trưởng, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức do đại dịch, bắt đầu vào năm 2020, và sau khi nền kinh tế phục hồi trở lại vào năm 2021.
Từ thành tựu này, có thể thấy thị trường Indonesia có sức hấp dẫn lâu dài đối với các nhà đầu tư, nhờ vào nỗ lực duy trì sự ổn định của chính trị và kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý, Indonesia đã có đóng góp đáng kể cho thị trường IPO ở Đông Nam Á, với 6 công ty Indonesia lọt vào top 10 công ty niêm yết hàng đầu ở Đông Nam Á.
Đáng chú ý, số lượng lớn các thương vụ IPO bắt nguồn từ lĩnh vực năng lượng tái tạo và kim loại/khoáng sản cho thấy năm 2023 nhiều khả năng sẽ là một năm ấn tượng đối với Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia.
Với 1,06 tỷ USD huy động được thông qua 37 thương vụ IPO cho đến nay, Thái Lan là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực. Ngành Tiêu dùng tiếp tục chiếm ưu thế, chiếm khoảng 40% số vốn huy động được trong khu vực và 38% số lượng công ty niêm yết hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Thái Lan vắng bóng các thương vụ niêm yết “bom tấn” như những thương vụ trong năm 2022. Môi trường lãi suất và bế tắc chính trị cũng dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài rút khoảng 4,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2023.
Năm 2024 sẽ là một năm sôi nổi khi có 38 công ty chuẩn bị niêm yết. Hiện có một công ty hoàn thiện hồ sơ và 12 công ty đã được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan chấp thuận. Việc Quốc hội phê chuẩn tân Thủ tướng vào tháng 8 có thể mang lại sự ổn định và niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài sau khi vấn đề bế tắc chính trị kéo dài được giải quyết.
Malaysia có 28 thương vụ IPO huy động được 715 triệu USD trong 10,5 tháng đầu năm nay. Sàn giao dịch Bursa Malaysia hoạt động khá tốt khi gần đạt được mục tiêu có 31 công ty niêm yết trong cả năm 2023. Đáng chú ý, tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2023, vốn hóa thị trường IPO đã vượt năm 2022.
Singapore có 5 thương vụ Catalist IPO huy động được 29 triệu USD trong 10,5 tháng đầu năm nay. Thị trường Singapore năm nay vắng bóng những thương vụ IPO Mainboard, REIT hoặc SPAC với giá trị cao, giúp củng cố thị trường vốn Singapore, mà chúng ta thường gặp. REIT và Business Trusts từ lâu đã là trụ cột của thị trường IPO Singapore. Tuy nhiên, với những bất ổn xung quanh lãi suất, REIT có thể áp dụng chiến lược chờ đợi và quan sát thêm, và hoãn kế hoạch niêm yết.
Việt Nam chỉ có 3 thương vụ niêm yết IPO huy động được khoảng 7 triệu USD trong 10,5 tháng đầu năm 2023. Số lượng IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt, đồng thời, lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023. Những điều kiện bất lợi này, cùng với diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022, đã khiến những công ty có mong muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để niêm yết.