Góc nhìn chuyên gia về nền kinh tế Việt Nam quý cuối năm

Thiên Bình 04/10/2023 15:40

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng TCTK nhận định, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất nếu có các chính sách phù hợp.

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023

GDP 9 tháng đầu năm mới đạt 4,24%, mức tăng khá khi kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của quý sau đã cao hơn so với quý trước là tín hiệu tích cực (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%; quý III tăng 5,33%).

Trong 9 tháng, mức tăng GDP thấp xa so với mức mục tiêu đặt ra, tuy nhiên vẫn là kết quả tích cực. Nhìn rộng ra, có thể thấy các nền kinh tế lớn đang gặp nhiều khó khăn như khu vực EU giảm sút do lạm phát cao, tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, kinh tế Nhật Bản chưa bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, ASEAN cải thiện về kinh tế nhưng các nước ASEAN 5 (trừ Việt Nam) vẫn đang triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt, do đó đạt được tốc độ tăng trưởng cao là rất khó.

Mức tăng GDP 9 tháng năm 2023 thấp xa so với mục tiêu

Dẫu vậy, Tổng cục Thống kê đã tính toán và dự báo, GDP năm nay chỉ tăng trưởng quanh 5% do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều thách thức. Theo đó, GDP quý cuối cùng phải tăng tối thiểu 7% thì mới đạt được con số trên.

Nhận định về hiện trạng nền kinh tế Việt Nam: Đối mặt với khó khăn, thách thức nào?

Đầu tiên, mức tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ở Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 (tăng 6,3%). Bởi vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều rủi ro và nội tại kinh tế Việt còn yếu thì việc đạt được mục tiêu 6,5% rất khó khăn.

Thứ hai, ngành lâm nghiệp, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn với giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm từ quý II, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với năm 2019, thời điểm trước dịch.

Thứ ba, tuy sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực, tuy nhiên còn chậm và chưa hoàn toàn hồi phục, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Sau 9 tháng đầu năm, chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành trọng điểm trong xuất khẩu giảm như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 3,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,2% và sản xuất trang phục giảm 1,5%.

Thứ tư, hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khó khăn của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 tháng năm nay đạt 497,7 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu đạt 238 tỷ USD, giảm 13,8%, còn xuất khẩu đạt 259,7 tỷ USD, giảm 8,2%.

Hoạt động doanh nghiệp có sáng sủa?

Theo ông Lê Trung Hiếu nhận định, hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và điều này đã thể hiện rõ qua những con số. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, giảm trên 17% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp khó khăn đa phần vì tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại của nền kinh tế

Lý do khiến doanh nghiệp khó khăn đa phần vì tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại của nền kinh tế. Cụ thể như khả năng tiếp cận vốn vay, hấp thu hay đáp ứng điều kiện vay của doanh nghiệp còn ở mức thấp hay khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị sụt giảm sau giai đoạn chịu tác động của dịch bệnh…

Nhận định về tình hình kinh tế những tháng cuối năm

Ông Hiếu nhận định, không bao giờ chỉ có thuận lợi hay khó khăn một chiều trong hoạt động kinh tế, mà thay vào đó, thuận lợi và khó khăn hay tích cực và hạn chế luôn đan xen. Do đó, khi nhìn nhận vào những yếu tố khả quan đóng góp cho tăng trưởng những tháng cuối năm, ông cho rằng việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức, người lao động và những đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước kể từ ngày 1/7/2023 đã và đang giúp tăng chi tiêu ở người dân, góp phần tạo dư địa tăng tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dịp cuối năm,.

Không chỉ kích cầu sản xuất đầu tư, các chính sách giảm thuế, phí; gia hạn thuế, tiền thuế đất; giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh còn giúp kích cầu tiêu dùng và tác động trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo

Hiệu ứng của du lịch đang lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều ngành dịch vụ thị trường như lưu trú ăn uống, lữ hành, vận tải, vui chơi giải trí, hoạt động nghệ thuật… Đó là lực đẩy quan trọng giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Đáng chú ý là thu hút du khách nước ngoài. Việt Nam đã đón 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế kể từ đầu năm tới nay, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước. Mỗi tháng chỉ cần đón thêm khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế trong phần còn lại của năm thì nước ta sẽ đạt 150% mục tiêu đề ra trong năm nay (đạt 12,8 triệu lượt khách).

Về việc nông nghiệp được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế

Ông Hiếu nhận định, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể nói là thuận lợi. Trong thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới thường xuyên theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam. Đáng chú ý như việc Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) tạm dừng xuất khẩu gạo, hay Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen.

Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán và hiện tượng El Nino cũng tác động xấu đến sản xuất lúa gạo ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Bởi vậy, Việt Nam càng có cơ hội lớn để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, không chỉ khai thác ở thị trường truyền thống mà còn mở rộng thị trường có triển vọng và đảm bảo an ninh lương thực.

Thiên Bình