Ngân hàng và doanh nghiệp BĐS chịu tác động gì khi tỷ lệ vay vốn chính thức giảm về 30%?

Thiên Bình 02/10/2023 09:04

Kể từ ngày 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng đã chính thức giảm từ 34% xuống còn 30%.

Căn cứ vào quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2023, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm từ 34% còn 30%. Tỷ lệ này trước đó đã giảm từ mức 37% còn 34% kể từ ngày 1/10/2022.

Theo số liệu công bố mới nhất của NHNN, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng tính đến tháng 7/2023 là 26,14%. Trong đó, tỷ lệ này ghi nhận ở mức 24,97% với nhóm NHTM có vốn nhà nước và 33,66% ghi nhận ở nhóm NHTMCP.

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy các ngân hàng sẽ chịu một số ảnh hưởng nhất định khi giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng đã chính thức giảm từ 34% xuống còn 30% từ ngày 1/10/2023

KBSV cho biết việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ khiến quá trình hạ lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các nhà băng chậm đi trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng nền kinh tế. Ngoài ra, thông tư mới cũng sẽ phần nào gây sức ép lên nhu cầu huy động kỳ hạn của các ngân hàng khiến chi phí vốn của ngân hàng tăng và gây sức ép làm thu hẹp lãi ròng (NIM).

Theo KBSV, việc áp dụng quy định mới được mong rằng sẽ hỗ trợ ngân hàng kiểm soát rủi ro thanh toán tốt hơn, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong nước và quốc tế, dựa trên chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho toàn hệ thống.

Việc tỷ lệ trên giảm cũng được cho là có tác động nhất định tới mảng bất động sản vì đa phần dư nợ tín dụng lĩnh vực này là cho vay trung và dài hạn (từ 10-25 năm), mặt khác nguồn huy động của ngân hàng đa phần là ngắn hạn.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trước đó đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét sửa đổi và bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN đề nghị gia hạn thêm 1 năm thời điểm áp dụng quy định "các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn". Theo đó, thời điểm được đề xuất là từ ngày 1/10/2024 thay vì từ ngày 1/10/2023.

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, hiện nay, bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện đã thay đổi rất khác so với bối cảnh đưa ra Thông tư 08/2020/TT-NHNN năm 2020 và đang đối mặt với thách thức không nhỏ, từ ảnh hưởng của các cơn gió ngược đến kinh tế xã hội.

Trong đó, lý do khiến bất động sản gặp khó là vì những nhân tố khách quan, không thể đoán được ở thời điểm ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/08/2020.

Chủ tịch HoREA cho biết, nền kinh tế và thị trường bất động sản hiện nay còn rất khó khăn do ảnh hưởng của các cơn gió nguộc. Do đó, xuất hiện nhiều doanh nghiệp quyết định giảm sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí không có nhu cầu vay.

Với doanh nghiệp địa ốc, nhu cầu vay vẫn có, tuy nhiên khó tiếp cận mà nguyên nhân phần lớn là do các dự án gặp vướng mắc về pháp lý.

Theo HoREA, nếu các NHTM cân nhắc nới tay một chút cho doanh nghiệp được vay tín dụng nhằm bù tài chính có dự án khả thi hoặc có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của các thửa đất đã nhận chuyển nhượng trong dự án đã nhận và doanh nghiệp chấp nhận thị giá của các sổ đỏ này do NHTM định giá giá trị tài sản thế chấp thì doanh nghiệp sẽ vượt qua được khó khăn.

Ông Châu nhận định: "Nếu các giải pháp này thực thi sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% của năm 2023 vì cho đến ngày 15/09/2023 thì NHNN cho biết kết quả tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 5,56% so với cuối năm 2022, còn gần 1 triệu tỷ đồng có thể bơm vào nền kinh tế".

Thiên Bình