Cần giải pháp đột phá cho nền kinh tế để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Nếu nền kinh tế không có những biện pháp mạnh tay, mang tính đột phá thì mục tiêu tăng trưởng cả năm nay và giai đoạn 2021-2025 đều khó có thể về đích.
Chỉ tiêu GDP “nỗ lực” đạt tới mức cao nhất
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 trong phiên họp toàn thể diễn ra trong 2 ngày (26 và 27/9). Bên cạnh đó, cũng đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên thẩm tra cho thấy mục tiêu đạt được tăng trưởng 6,5% là thách thức không nhỏ. Nếu không có giải pháp mang tính đột phá cao, khó có thể hoàn thành mục tiêu này.

Dự kiến, chỉ có 1 trong 15 chỉ tiêu của năm 2023 vượt là mức giảm về tỷ lệ hộ nghèo, ước thực hiện 1,1 điểm % (mục tiêu 1-1,5%). Ngoài ra, có 9 chỉ tiêu dự kiến đạt, trong đó tốc độ tăng CPI ước đạt bình quân 3,5%/4,5%.
Các chỉ tiêu còn lại, trong đó có GDP đang được xem là phấn đấu đạt tới mức cao nhất.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm qua, tạo sức ép rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý III và IV.
Theo lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, thời cơ, thuận lợi và khó khăn đan xen trong năm 2024, tuy nhiên thách thức và khó khăn nhiều hơn, đặc biệt là trong việc điều hành kinh tế vĩ mô.
Khi đó, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và duy trì sự ổn định, kiểm soát tốt lạm phát.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng đề cập tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 cũng đề cập đến vấn đề điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công.
Các chuyên gia cũng đã có nhiều quan điểm gợi ý về chính sách tạo lực đẩy cho kinh tế phát triển. Trong đó, nhấn mạnh về cơ chế và chính sách cần có sự đột phá để đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân bền vững hơn nữa.
Các chuyên gia cũng thống nhất cần tháo gỡ các rào cản quyết liệt đối với doanh nghiệp nội địa hiện nay, đặc biệt là về vấn đề thủ tục hành chính, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả…
Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn và có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ linh hoạt, chuyên nghiệp và hiệu quả. Đồng thời, có chính sách và cơ chế khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và nhà nước có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực kinh tế.
Khó hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện báo cáo về kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, có 10 trong số 23 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành. Một số chỉ tiêu có kết quả tích cực như tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hai năm 2021-2022 so với GDP đạt 34,0-34,2%, hay năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng năm 2021 là 36,03%, ước năm 2022 khoảng 43,89%.
Việc nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu là bước đầu xúc tiến cơ cấu kinh tế chuyển dịch khả quan theo hướng tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, số hóa, xanh hóa.

Thế nhưng, việc đạt được 13/23 chỉ tiêu đối mặt với nhiều khó khăn lớn, và thậm chí là rất khó. Trong đó, một số chỉ tiêu rất quan trọng, cho thấy kết quả chủ yếu trong tái cơ cấu nền kinh tế rất khó đạt nếu không có giải pháp triệt để hơn.
Cụ thể, chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2021-2022 ghi nhận ở mức thấp, ước lần lượt đạt 4,58% và 4,75%, và thấp hơn nhiều so với 6,5% - mức mục tiêu đề ra.
Năm 2022, tốc độ tăng trung bình của năng suất lao động các vùng kinh tế trọng điểm ước đạt 5,33%, của 3 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương chưa đạt mục tiêu, trong khi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp, ghi nhận 6,9% năm 2021 và 2,97% năm 2022.
Ngoài ra, chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp đạt mức thấp, ước khoảng 900.000 đơn vị đến hết năm, còn thấp xa so với mục tiêu 1,5 triệu. Dù cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, song các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng, tuy nhiên nhiều thách thức vẫn tăng lên.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năng suất lao động năm 2022 chỉ tăng 4,7% so với năm 2021 dù nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao 8,02%.

Năng suất lao động tăng 4,65%/năm trong bình quân 2 năm (2021-2022), thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là tốc độ tăng năng suất lao động đạt trên 6,5% trung bình mỗi năm. Điều này có nghĩa là năng suất lao động cần phải tăng 7,8%/ năm trong 3 năm 2023-2025 để có thể đạt được mục tiêu về kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Đây là một khó khăn đối với nền kinh tế nước ta. Bởi lẽ, việc thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông Lâm, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu. Theo đó, Chính phủ cần nhanh chóng thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam.
Đồng thời, định kỳ đánh giá và cập nhật chiến lược phù hợp đối với biến động của kinh tế toàn cầu cũng như chủ động dự báo về xu hướng, biến cố, và nhận diện, đánh giá về ảnh hưởng của cơ hội - thách thức từ những thay đổi đó.
Ông Lâm nêu quan điểm: “Không ai khác, mà chính là Chính phủ phải xác định được các yếu tố ngoại sinh tạo ra sự đổi mới để từ đó chủ động đưa ra các giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức giữ ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững”.