Tập đoàn Nhật Bản rót 600 triệu USD vào Việt Nam dự đoán 7 lĩnh vực sẽ được đầu tư mạnh
Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) bắt đầu rót vốn đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1991, tính đến thời điểm hiện tại tập đoàn này đã đầu tư khoảng 90 tỷ yên (khoảng 593 triệu USD) vào thị trường nước ta.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp đón và làm việc với ông Kakinoki Masumi - Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Trong buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ cho biết mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có sự phục hồi tích cực từ những chính sách hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành.
Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tình trạng lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực được đảm bảo doanh thu một cách tuyệt đối. Đây chính là cơ sở quan trọng để thu hút sự đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.
Trong đó, Nhật Bản luôn được coi là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam khi là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đứng thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.

Thủ tướng còn cho biết một lợi thế lớn nữa của Việt Nam là tình hình kinh tế, chính trị ổn định, nước ta còn tham giao vào 16 hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam còn có 100 triệu dân là nguồn lao động có sẵn dồi dào. Nước ta cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt hơn cho những nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư và thành công tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn nâng cao việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính sách chính đáng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sẵn sàng tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp dựa trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Thủ tướng hi vọng các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) nói riêng sẽ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam trong thời gian tới.
Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1991, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu hàng hóa; xây dựng các nhà máy nhiệt điện và các nhà máy công nghiệp, các nhà máy chế biến thực phẩm và dệt may...
Theo chia sẻ của người đại diện là ông Kakinoki Masumi, thị trường Việt Nam đã trở thành thị trường trọng điểm của Tập đoàn ở Châu Á. Tính đến hiện tại, Tập đoàn đã rót vào nước ta khoảng 90 tỷ yên (khoảng 593 triệu USD) để phát triển các hạng mục, danh mục đầu tư qua đó tạo việc làm cho 7.500 người lao động.
Vị lãnh đạo Tập đoàn Marubeni chia sẻ thêm trong thời gian tới Tập đoàn đang có những kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn cũng chỉ ra 7 lĩnh vực trọng điểm của nước ta là năng lượng, chế biến, xuất khẩu hàng hóa, phát triển hạ tầng... Nếu tận dụng được thế mạnh của những lĩnh vực này chắc chắn Việt Nam sẽ còn nhận được nguồn đầu tư cực kì lớn trong tương lai.
Trong nhu cầu phát triển của các quốc gia trên thế giới hiện nay những lĩnh vực như năng lượng, chế biến, xuất khẩu hàng hóa,… đã trở thành một phần hết sức quan trọng không thể thiếu để hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế lớn mạnh. Do đó, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế được các quốc gia khác trên thế giới yêu thích và sẵn sàng rót vốn.
Cụ thể, trong thời gian tới Tập đoàn Marubeni tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án trọng điểm như Dự án Nhà máy điện khí Ô Môn II, Dự án điện khí LNG Quảng Ninh, các dự án trang trại điện gió, điện mặt trời, xây dựng khu công nghiệp, các dự án xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm, lâm sản, nguyên liệu để xuất khẩu và các dự án thành phố thông minh...

Đây đều là những dự án đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, những ngành này đều là ngành thiết yếu trong cuộc sống và là “cầu nối” gắn kết mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Để chào đón sự phát triển của Tập đoàn Marubeni tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam cũng đang đẩy nhanh việc đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển thương mại điện tử, thực hiện 3 đột phá chiến lược… để phù hợp với các kế hoạch đầu tư trong tương lai.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Marubeni đưa ra đề xuất về mặt cơ chế, chính sách hỗ trợ Tập đoàn trong quá trình hình thành và phát triển các dự án tại Việt Nam. Đồng thời, sẽ hỗ trợ phía Việt Nam trong khâu đào tạo nguồn lực, chuyển giao công nghệ, truyền đạt những kinh nghiệm cần thiết trong quá trình sản xuất và quản lý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn Marubeni triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu như công nghiệp và nông, thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Hỗ trợ liên kết tạo chuỗi cung ứng cần thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản để hoàn thiện chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai bên trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… Thông qua đó, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, nhằm bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm…