Thông tin chi tiết về cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế là một khái niệm được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, trao đổi hàng hóa… Song, để vận dụng cán cân thanh toán quốc tế trên thương trường thì không phải ai cũng làm tốt được.
Cán cân thanh toán là gì?
Cán cân thanh toán (Balance of Payment) là tổng hợp mọi giao dịch được thực hiện bằng tiền tệ của quốc gia này với quốc gia khác. Trong đó những giao dịch thương mại thì được thực hiện bởi những cá nhân, doanh nghiệp cư trú và hoạt động trong phạm vi lãnh thổ hoặc ngoài lãnh thổ. Đối tượng giao dịch thương mại thì bao gồm những loại hàng hóa, dịch vụ, tài sản… Những giao dịch này sẽ có trong một bản báo cáo tổng hợp của mỗi quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định.
Phân loại cán cân thanh toán quốc tế
Hiện nay, cán cân thanh toán được chia thành 4 loại chính là:
- Cán cân thời điểm: Là cán cân phản ánh các khoản thu – chi ngoại tệ của những người đang cư trú và không cư trú tại quốc gia đó ở một thời điểm nhất định.
- Cán cân thời kỳ: Phản ánh những khoản thu – chi ngoại tệ của người đang cư trú hoặc không cư trú tại quốc gia ở một thời điểm xác định.
- Cán cân song phương: Phản ánh các khoản thu – chi ngoại tệ giữa hai quốc gia khi giao dịch.
- Cán cân đa phương: Phản ánh các khoản thu – chi ngoại tệ giữa một quốc gia với phần còn lại của thế giới.

Các thành tố của cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế sẽ bao gồm những thành tố quan trọng để đưa ra những chỉ số đo lường giao dịch chính xác. 4 thành tố quan trọng của cán cân thanh toán quốc tế phải kể đến như sau:
1. Cán cân vãng lai (Current Account)
Cán cân vãng lai trong cán cân thanh toán là khoản mục chuyên sử dụng để ghi chép những giao dịch liên quan đến hàng hóa, những dịch vụ của người cư trú trong nước với người cư trú nước ngoài. Cán cân vãng lai sẽ hỗ trợ việc ghi chép những giao dịch xuất nhập, khẩu thương mại với các loại hàng hóa, dịch vụ cần thiết. Đồng thời, cán cân vãng lai còn hỗ trợ việc ghi chép các khoản thu nhập khác như tiền lương, lãi suất, lợi nhuận… Cán cân vãng lai gồm 4 khoản mục sau:
- Cán cân thương mại (Trade Balance)
Đây là thành phần trọng yếu trong tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán khi ghi lại toàn bộ những thay đổi trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của một quốc gia. Đồng thời, nhìn vào cán cân thương mại còn biết được sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Cán cân thương mại sẽ thặng dư khi giá trị xuất khẩu lớn hơn giá trị nhập khẩu. Cán cân thương mại sẽ thâm hụt khi xuất khẩu nhỏ hơn nhập khẩu.
Cán cân thương mại sẽ thay đổi khi chịu sự tác động của tỷ giá, lạm phát, chính sách thương mại trong nước và quốc tế, thu nhập của người tiêu dùng… Ngược lại, cán cân thương mại cũng sẽ ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế, tác động trực tiếp tới cung cầu, biến đổi tỷ giá, lạm phát của một quốc gia.
- Cán cân dịch vụ (Service Balance)
Cán cân dịch vụ sẽ phản ánh mọi hoạt động thu chi của người cư trú và không cư trú trên quốc gia đó. Nó sẽ là những khoản thu từ hoạt động dịch vụ vận tải, du lịch, xây dựng, tài chính, ngân hàng, bưu chính… Cán cân dịch vụ cũng chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố khác như tỷ giá, thu nhập, giá cả, chính trị xã hội. Tại một số quốc gia có chất lượng dịch vụ thấp nên phải nhập khẩu từ nước ngoài rất nhiều nên cán cân dịch vụ tại các quốc gia này luôn thâm hụt.
- Cán cân thu nhập (Income Balance)
Cán cân thu nhập sẽ bao gồm tiền thu nhập của người lao động từ tiền lương, đến tiền lãi tiền đầu tư của cả những người cư trú và không cư trú trên phạm vi lãnh thổ quốc giá. Cán cân thu nhập cũng sẽ chịu sự tác động của một số yếu tố từ quy mô thu nhập đến kinh tế, chính trị, xã hội.
- Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều (Unilateral Transfer)
Cán cân vãng lai một chiều là danh mục để ghi nhận những khoản viện trợ không hoàn lại hay những khoản quà tặng. Bên cạnh đó, nó còn bao gồm cả việc chuyển giao quà dưới hình thức tiền bạc hoặc những tài sản có giá trị. Hoạt động chuyển giao hoặc trao tặng này sẽ diễn ra giữa người cư trú và không cư trú trên một vùng lãnh thổ hoặc quốc gia.
2.Cán cân vốn (Capital Account)
Cán cân vốn là một bộ phận của cán cân thanh toán được dùng để ghi lại mọi giao dịch về tài sản bao gồm cả tài sản thực tồn tại hoặc những loại tài sản giữa người cư trú trong nước và người cư trú nước ngoài. Trong đó, tài sản thực có thể là hàng hóa, dịch vụ… còn tài sản tài chính là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ…
Cán cân vốn cũng là một phương thức để phản ánh các giao dịch kinh tế phổ biến của người cư trú và không cư trú, đây là quá trình chu chuyển vốn để đầu tư hoặc trả nợ của hai bên đảm bảo cho việc chuyển giao sẽ được thực hiện theo hình thức một chiều hoặc nhiều hình thức khác.
Cán cân vốn gồm:
- Cán cân vốn dài hạn: Đây là dòng vốn sẽ chảy vào và ra của một quốc gia, bao gồm những khoản đầu tư trực tiếp, gián tiếp cũng như những loại vốn dài hạn. Cán cân vốn dài hạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, môi trường, chính trị, xã hội…
- Cán cân vốn ngắn hạn: Đây là những dòng vốn có thời hạn ngắn chảy vào và ra khỏi một quốc gia, bao gồm một số loại như tín dụng thương mại ngắn hạn, tiền gửi… Một số nhân tố ảnh hưởng đến cán cân vốn ngắn hạn phải kể đến như chênh lệch tỷ giá, kinh tế, chính trị, xã hội, chính sách của Nhà nước…
- Cán cân vốn chuyển giao một chiều: Đây là những khoản chuyển giao vốn một chiều không hoàn lại với mục đích đầu tư ý nghĩa hoặc để xóa các khoản nợ. Những nhân tố ảnh hưởng đến cán cân vốn chuyển giao một chiều là kinh tế, chính trị, xã hội…

3. Nhầm lẫn và sai sót (Errors and Omissions)
Sự tồn tại của khoản mục nhầm lẫn và sai sót sẽ đến từ các nguyên nhân như sau:
- Giao dịch kinh tế, tài chính giữa người cư trú và không cư trú rất phong phú, đa dạng với số lượng lớn nên khi thống kê và sao chép có thể xảy ra những sai sót, nhầm lẫn.
- Những ghi nhận trong cán cân thanh toán quốc tế sẽ ghi trong mỗi thời điểm khác nhau nên việc chênh lệch con số do tình hình kinh tế thay đổi là điều dễ hiểu.
- Nhiều người có mục đích trốn thuế nên sẽ khai báo những con số không đúng với thực tế.
- Những giao dịch ngầm và không chính thức là những hoạt động không thể thống kê chính xác.
4. Cán cân bù đắp chính thức (Official Reserves)
Cán cân bù đắp chính thức là một loại hình cân đối tài khoản của danh mục kế toán để đưa những khoản mục ở các bên cho vay và bên có nợ về tổng bằng không. Cán cân bù đắp chính thức bao gồm những khoản mục chính như sau:
- Dự trữ ngoại hối quốc gia: Là hoạt động dự trữ vàng, ngoại tệ cũng như các giấy tờ có giá trị ngoại tệ khác. Quy mô của dự trữ ngoại hối lớn hay nhỏ sẽ phụ thuộc chủ yếu vào chế độ tỷ giá quốc gia đó sử dụng.
- Vay nợ từ quỹ tiền tệ quốc tế IMF và các ngân hàng Trung ương khác.
- Thay đổi dự trữ của các ngân hàng Trung ương bằng cách huy động đồng tiền từ quốc gia thành lập ra ngân hàng thanh toán.

Cán cân thanh toán quốc tế là một công cụ để đo lường sự thay đổi và biến động cũng như sự chênh lệch giữa các hoạt động giao dịch, trao đổi của các quốc gia. Việc vận dụng cán cân thanh toán quốc tế vào lĩnh vực kinh tế, tài chính là điều hết sức cần thiết và quen thuộc.