Giá hàng hóa nguyên liệu có đến 6 ngày sụt giảm liên tiếp
Xét về yếu tố vĩ mô, “đồng bạc xanh” tăng mạnh đã khiến sức hấp dẫn của hàng hóa giảm xuống, bởi đồng USD được sử dụng chủ yếu trong hoạt động giao dịch thương mại quốc tế.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần, lực bán đã hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới.

Điểm sáng là nông sản, bởi đây là nhóm mặt hàng duy nhất duy trì được sắc xanh trong thời gian qua. Nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp chịu sức ép bán rất mạnh và đóng góp chủ yếu vào đà giảm chung của thị trường.
Cụ thể, chỉ số MXV-Index đã giảm 0,44%, xuống chỉ còn 2.278 điểm. Dễ dàng thấy được, chỉ số này đã có 6 ngày sụt giảm liên tiếp trong 7 ngày giao dịch gần nhất, điều này phản ánh xu hướng suy yếu của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Ngoài ra, giá trị giao dịch toàn Sở giao dịch hàng hóa là hơn 3.700 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên 25/9, giá của thị trường kim loại ngập chìm trong sắc đỏ. Theo Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, nhóm kim loại quý, giá bạc đã dẫn dắt đà giảm của nhóm kim loại, giảm 1,93% xuống còn 23,38 USD/ounce. Giá bạch kim giảm ít hơn với mức giảm 1,78%, xuống còn 917,5 USD/ounce. Cả 2 mặt hàng kim loại quý đều có mức giảm lớn nhất trong gần 3 tuần nay. Đáng chú ý, giá vàng giảm xuống còn 1.915,66 USD/ounce, tương đương mức giảm 0,48%.

Theo MXV, đồng USD tiếp tục tăng mạnh trong khi lợi suất trái phiếu của Mỹ vẫn đang duy trì ở mức cao khiến nhóm kim loại quý phải chịu sức ép nặng nề.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, tất cả các mặt hàng đều “rủ nhau” giảm giá vì phải chịu sức ép kép đến từ yếu tố vĩ mô cũng như tín hiệu tiêu thụ kém lạc quan. Hai mặt hàng chủ chốt của nhóm này là đồng COMEX và quặng sắt đã lần lượt ghi nhận mức giảm là 0,7% và 4,17%. Đóng cửa phiên 25/9, giá đồng ở mức 3,67 USD/pound và giá sắt ở mức 116,13 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần.
Xét về yếu tố vĩ mô, “đồng bạc xanh” tăng mạnh đã khiến sức hấp dẫn của hàng hóa giảm xuống, bởi đồng USD được sử dụng chủ yếu trong hoạt động giao dịch thương mại quốc tế. Còn xét về tiêu thụ, bất động sản Trung Quốc vẫn còn ảm đạm, trầm lắng là lực cản chính đối với việc tiêu thụ các mặt hàng kim loại cơ bản.
Giá đậu tương “ngược dòng” đà giảm chung
Chốt ngày 25/9, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tiếp tục duy trì sắc xanh sau phiên hồi phục vào cuối tuần trước. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam thông tin, bên cạnh lực mua kỹ thuật, các số liệu chỉ ra rằng, việc tiêu thụ tích cực hơn chính là yếu tố hỗ trợ giá mặt hàng này.

Chiều ngược lại, tình hình mùa vụ tại Nam Mỹ đang diễn ra khá tích cực, đây là yếu tố tạo áp lực và kiềm chế đà tăng của giá đậu tương. Đặc biệt, diễn biến của giá đậu tương cũng ảnh hưởng lên khô đậu. Cụ thể, giá mặt hàng này đóng cửa phiên 25/9 với mức hồi phục hơn 1%.
Dầu đậu là mặt hàng nông sản duy nhất kết phiên trong sắc đỏ, có mức giảm mạnh hơn 3,5%. Đầu tháng 9 này, hoạt động xuất khẩu dầu cọ của Malaysia đã được đẩy mạnh và tạo sức ép lên giá mặt hàng trên.