Giá nhà ở tại Việt Nam cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện giá nhà ở tại Việt Nam cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người. Bên cạnh đó, giá nhà ở xã hội tại một loạt dự án chung cư đã vào ở nhiều năm tại Hà Nội thì tăng khá mạnh, có nơi rao bán gấp 2 đến 3 lần so với khi mở bán.

Cụ thể như, dự án nhà ở xã hội tại Bắc Từ Liêm TP.Hà Nội ban đầu được bán với mức giá khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đến nay, nhiều căn hộ tại đây đang được tìm mua với mức giá gấp đôi so với khi mở bán, khoảng 30 đến 34 triệu đồng/m2.
Cùng với đó, Ngoài ra còn nhiều dự án nhà ở xã hội khác còn được rao bán ngang giá với nhà ở thương mại đã qua sử dụng. Ngay cả dự án đang mở bán hiện nay cũng được phê duyệt mức giá lên tới gần 20 triệu đồng/m2, thay vì 13 - 14 triệu đồng/m2 như trước kia. Đây là những lý do khiến việc sở hữu nhà ở xã hội của người lao động ngày càng trở nên khó khăn.
Cũng theo chia sẻ của một số người lao động, mức lương hiện tại của họ dao động 7-8 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 14 triệu đồng. Số tiền đó bao gồm tiền sinh hoạt hàng ngày, nuôi 2 đứa con ăn học, chi phí điện, nước, thuê nhà, xăng xe, giá cả thì leo thang, chi tiêu thật tiết kiệm, mỗi tháng cũng chỉ để dư được khoảng 2 triệu đồng. Với số tiền như vậy thì làm sao mua được nhà? Bên cạnh đó, mức lương của người lao động không đủ chi tiêu, nếu muốn mua một căn nhà bình thường hay nhà ở xã hội thì phải vay ngân hàng. Với người lao động việc tiếp cận các nguồn vay rất khó khăn, thủ tục vay lại rườm rà. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại không cho người thu nhập thấp được hưởng ưu đãi, nếu vay phải chấp nhận lãi suất cao.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, việc sở hữu nhà ở xã hội của công nhân, người lao động là vấn đề khó giải quyết từ nhiều năm nay. Thực tế, thu nhập bình quân của người lao động hiện nay là rất thấp, để có thể mua được nhà ở xã hội thì người lao động mất khoảng 57 năm mới có thể mua được. Điều này cho thấy, bài toán giải quyết nhà ở xã hội cho người lao động ngày càng trở nên căng thẳng. Việc mua một căn nhà ở xã hội nói riêng và 1 căn nhà bình thường nói chung ở Việt Nam, hầu hết phải huy động tổng thể các nguồn lực từ gia đình, xã hội, bạn bè, người thân để vay mượn thì mới có thể mua được. Một người lao động chỉ có đi làm, không ăn uống, chi tiêu thì cũng mất vài chục năm mới có thể mua được nhà. Để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, trước hết Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư, đảm bảo họ đầu tư và có lãi thì họ mới yên tâm tiến hành đầu tư dự án.
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở của người dân đang ngày càng cao, tuy nhiên số lượng nhà ở xã hội chưa nhiều, các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại, việc đạt được 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là bài toán rất khó, bởi đến thời điểm này mới hoàn thành được 157 căn.
Nếu trong vòng 6,5 năm nữa liệu có thể hoàn thành được 850.000 căn nhà không? Đây là con số rất lớn, nếu tốc độ xây dựng như hiện nay thì khó lòng đạt được mục tiêu đã đặt ra. Đây là vấn đề cần phải nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía Chính phủ để giúp chủ đầu tư có được điều kiện khởi công xây dựng dự án.
Tuy vậy, các chuyên gia vẫn hy vọng rằng, với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý cũng như sự vào cuộc của các chủ đầu tư thì sẽ rút ngắn được thời gian xây dựng, từ đó thực thi tốt yêu cầu mà Chính phủ đã đề ra là xây dựng được 1.060.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030.