Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Gỡ vướng dự án, điều chỉnh giá bất động sản mới kích thích tín dụng bất động sản
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để kích thích tín dụng bất động sản cần phải tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, cộng với các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản.

Tại phiên thảo luận sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ với đại biểu về tăng trưởng tín dụng cũng như khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Theo bà Hồng, về phía các tổ chức tín dụng, những tháng đầu năm dư địa về room tín dụng rất thoải mái, không bị chậm và thanh khoản hệ thống được Ngân hàng nhà nước duy trì rất dư thừa và không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay.
Từ phía doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, đối với các doanh nghiệp không có đầu ra và như rất nhiều đại biểu nêu là không có đơn hàng, giải pháp là phải tháo gỡ khó khăn đầu ra. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt để xúc tiến thương mại, tuy nhiên việc này cũng cần phải có thời gian cho nên doanh nghiệp cũng như các cơ quan cũng cần hướng đến để khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp và rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nói rằng rất khó khăn sau đại dịch Covid-19, không đủ điều kiện vay vốn, cũng không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, theo đó cần có các giải pháp để cải thiện điều kiện vay vốn, có thể thông qua các chính sách như là bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, thường tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng với những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay 70% là khó khăn về pháp lý, cho nên giải pháp bây giờ phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, cộng với các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản. Như vậy, nó sẽ kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng bất động sản cũng như là người mua nhà.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, theo bà Hồng, trong những tháng đầu năm, khi điều kiện thuận lợi và cầu tín dụng thấp, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư để cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải rà soát để giảm thủ tục hành chính cũng như là cho vay, căn cứ trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ và cũng không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo.
Đối với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, bà Hồng cho biết, đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng như người có thu nhập thấp tới năm 2030. Nguồn vốn do chính các ngân hàng huy động và lãi suất giảm từ 1,5% đến 2% do chính từ nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại, điều này thể hiện sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm của 4 ngân hàng thương mại này.
Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn về lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi để triển khai thống nhất và hiện nay Bộ Xây dựng cũng đã có các hướng dẫn và ủy quyền cho các địa phương công bố danh mục dự án.
“Có thể nói rằng nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân là cao nhưng nhu cầu vay lại là một vấn đề, bởi vì quyết định vay để mua một căn hộ phải là do người dân, gói này sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt là trong Luật Nhà ở trình Quốc hội trong kỳ này đã có một điểm là cho phép các doanh nghiệp mua nhà để có thể bố trí nhà ở cho công nhân, đây cũng là một điểm rất tích cực để gói này được tăng dư nợ giải ngân”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận kết quả vẫn thấp. Trước tình hình đó Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế GTGT và hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ "có khả năng phục hồi" để tiếp tục triển khai.
Box: Liên quan tới điều hành lãi suất, Thống đốc khẳng định, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn từ trước tới nay và Quốc hội, Chính phủ cũng rất quan tâm chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước cũng rất mong muốn và quan tâm điều đó.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, điều hành lãi suất thì cũng cần phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo được đại cục về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Lý giải về lãi suất năm 2022 cao, bà Hồng cho biết, thời điểm đó lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Ở trong nước thì lạm phát của chúng ta tăng cao, cùng với đó là áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng đôla tăng giá rất mạnh.
Do đó, theo Thống đốc, khi ổn định được tỷ giá trở lại và với điều kiện tăng chậm lại của lạm phát thì trong những tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt và điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 0,9% bình quân so với cuối năm 2021.
Mộc Miên