Quyền của các Thành viên thị trường tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Nguyễn Thùy 15/11/2023 10:00

Quyền của các Thành viên thị trường tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam là vấn đề được nhiều người quan tâm. Do đó, bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề này.

Theo Báo Công Thương, trong số hỏi đáp lần này sẽ làm rõ các quyền của những Thành viên Kinh doanh và Thành viên Môi giới trên thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam.

“Doanh nghiệp của tôi đã hoạt động trong lĩnh vực tài chính đầu tư được hơn 10 năm và hiện đang muốn trở thành Thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Tôi muốn hỏi về quyền lợi đối với các Thành viên thị trường của MXV, cụ thể đối với cả Thành viên Kinh doanh và Thành viên Môi giới?” - câu hỏi của bạn Phạm Thành Trung, đến từ Đà Nẵng.

“Quyền và Nghĩa vụ của Thành viên Thị trường được quy định tại đâu?” - câu hỏi của bạn Nguyễn Quốc Quyền, đến từ TP HCM.

Trong số hỏi đáp lần này sẽ làm rõ các quyền của những Thành viên Kinh doanh và Thành viên Môi giới trên thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Báo Công Thương

Quyền và Nghĩa vụ của Thành viên Thị trường được quy định ở đâu?

Tính đến cuối tháng 01/2023, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đang quản lý tổng cộng 35 Thành viên Kinh doanh và 02 Thành viên môi giới, ngoài ra còn có các văn phòng chi nhánh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thực tế, Quyền và nghĩa vụ của các Thành viên Kinh doanh đã được quy định vô cùng chi tiết ở Điều 20. Quyền và Nghĩa vụ của Thành viên Môi giới trong Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 158/2006/NĐ-CP), hướng dẫn chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa.

Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của các Thành viên Thị trường của MXV cũng được quy định rõ ràng tại Quy chế Thành viên tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Thành viên Kinh doanh có những quyền gì?

Theo quy định, những Thành viên Kinh doanh tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ có những quyền cụ thể dưới đây:

1. Mở một hoặc nhiều tài khoản tự doanh để thực hiện nghiệp vụ mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa cho chính mình và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Tính đến cuối tháng 01/2023, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đang quản lý tổng cộng 35 Thành viên Kinh doanh và 02 Thành viên môi giới. Ảnh minh họa

2. Thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa (tự doanh) và hoạt động môi giới mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

3. Ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với nhiều Thành viên Môi giới.

4. Nhận uỷ thác mua bán hàng hóa/ủy thác quản lý tài khoản giao dịch hàng hóa qua MXV của Khách hàng.

5. Kết nối, sử dụng Hệ thống Phần mềm giao dịch của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam để đặt lệnh vào Hệ thống giao dịch.

6. Hưởng Phí giao dịch theo quy định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

7. Tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo do Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam tổ chức.

8. Nhận các thông tin về kết quả giao dịch.

9. Đề nghị MXV làm trung gian hoà giải khi có tranh chấp liên quan đến giao dịch và thực hiện hợp đồng.

10. Nhận uỷ thác mua bán hàng hóa/ủy thác quản lý tài khoản giao dịch hàng hóa được thu phí dịch vụ uỷ thác của Khách hàng. Mức phí do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.

11. Yêu cầu Khách hàng ký quỹ để đảm bảo thực hiện giao dịch.

12. Ủy nhiệm cho Thành viên Kinh doanh khác khi chấm dứt tư cách Thành viên tự nguyện.

13. Nhận ủy nhiệm từ các Thành viên Kinh doanh khác khi Thành viên đó bị: (i) Đình chỉ toàn bộ hoạt động; (iii) Chấm dứt tư cách Thành viên.

14. Các quyền khác theo quy định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Các Thành viên Thị trường tham gia Buổi tập huấn Thành viên toàn quốc do MXV tổ chức

Thành viên Môi giới có những quyền gì?

Theo quy định, những Thành viên Môi giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ có những quyền cụ thể dưới đây:

1. Thực hiện hoạt động môi giới hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Theo quy định, những Thành viên Môi giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ có những quyền cụ thể nhất định. Ảnh minh họa

2. Ký hợp đồng hợp tác kinh doanh giao dịch mua bán hàng hoá với nhiều Thành viên Kinh doanh.

3. Tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo do Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam tổ chức.

4. Đề nghị Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam làm trung gian hoà giải khi có tranh chấp liên quan đến giao dịch và thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh với Thành viên Kinh doanh.

5. Hưởng thù lao môi giới, mức thù lao do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng hợp tác kinh doanh với Thành viên Kinh doanh.

6. Các quyền khác theo quy định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Trên đây là các quyền của những Thành viên Kinh doanh và Thành viên Môi giới trên thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam. Hi vọng bài viết sẽ giúp mọi người hiểu hơn về vấn đề này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quyền của các Thành viên thị trường tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO