"Soi" thế hệ thứ 2 ngành ngân hàng
Sau khi Chủ tịch Ngân hàng Á châu (HoSE: ACB) Trần Hùng Huy gây bão trên mạng xã hội với màn đàn, hát, vũ đạo như một nghệ sỹ chuyên nghiệp trên sân khấu kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng ACB, thân thế và sự nghiệp của ông Trần Hùng Huy cùng các F2 khác ngành ngân hàng được nhiều người quan tâm.

"Tổng tài" đẹp trai, nhiều tiền và...chưa lập gia đình
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, là con trai cả của ông Trần Mộng Hùng - người sáng lập và cựu Chủ tịch Ngân hàng ACB và bà Đặng Thị Thu Thủy - cũng đang là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB. Sau "biến cố bầu Kiên" năm 2012, ông Huy bắt đầu giữ vai trò Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB khi chỉ mới 34 tuổi.
Theo giới thiệu của ACB, ông Huy tốt nghiệp cử nhân với ba chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh vào năm 2002 tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh- Đại học Golden Gate - Hoa Kỳ (2011).
Kể từ khi ông Trần Hùng Huy làm Chủ tịch HĐQT, ACB ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ổn định. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế (LNTT) 1.035 tỷ đồng. Đến năm 2017, tăng lên 2.656 tỷ đồng, tăng 156% sau 4 năm. Năm 2018 LNTT đạt 6.389 tỷ đồng và nhanh chóng vượt mốc 10.000 tỷ đồng vào năm 2021. Năm 2022, LNTT của ACB đạt kỷ lục, lên đến 17.114 tỷ đồng, tăng gần 43%, vươn lên vị trí thứ 7 trong top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam có mức lợi nhuận cao nhất trong năm 2022. Quý 1/2023, ACB vẫn đứng thứ 6 trong top 10 ngân hàng LNTT cao nhất với con số 5.156 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với công chúng, ông Trần Hùng Huy là mẫu hình lý tưởng với ngoại hình sáng sủa, học vấn đáng nể và là Chủ tịch Ngân hàng duy nhất công khai tài khoản Facebook cá nhân và tích cực tương tác trên tài khoản này. Còn với thị trường chứng khoán, ông Trần Hùng Huy là một trong 40 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tại ACB, ông Huy đang sở hữu 115,7 triệu cổ phiếu ACB, chiếm tỷ lệ 3,43% vốn điều lệ ngân hàng. Nếu tính thị giá cổ phiếu ACB phiên cuối tuần 9/6 là 21.550 đồng/cổ phiếu thì tạm tính giá trị tài sản của Chủ tịch ACB thông qua sở hữu cổ phiếu ước tính trên dưới 2.500 tỷ đồng (Tạm tính theo phiên giao dịch ngày 5/6/2023 trên TTCK Việt Nam).

Những F2 có tài sản đáng nể trên sàn chứng khoán
Ông Hồ Anh Minh, con trai cả ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank (HoSE: TCB) - đang nắm giữ gần 138 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 4% vốn điều lệ và là một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất của Techcombank, cùng với các thành viên trong gia định mình. Số cổ phiếu trên có giá trị thị trường vào khoảng 4.500 tỷ, đưa Hồ Anh Minh vào Top 13 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Em gái ông Hồ Anh Minh là Hồ Thủy Anh khi mới 20 tuổi cũng đã mua gần 22,5 triệu cổ phiếu TCB, tính theo thị giá ngày 9/6/2023, nữ đại gia trẻ đang có 730 tỉ đồng, tương đương với một loạt “lão làng” trên sàn chứng khoán Việt Nam như bà Phạm Minh Hương - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect, hay ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch LPBank
Ông Đỗ Vinh Quang (sinh năm 1995) là con trai thứ hai của "bầu Hiển" không chỉ là Chủ tịch CLB bóng đá trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khi trở thành Chủ tịch CLB Hà Nội (Hà Nội FC), mà còn nắm giữ gần 90,9 triệu cổ phiếu SHB, giá trị hơn 1.136 tỉ đồng.
Đặng Quang Tuấn - con trai duy nhất của vợ chồng chủ tịch Đặng Khắc Vỹ và Trần Thị Thảo Hiền - đang sở hữu hơn 103,9 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,931% vốn điều lệ ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu của Đặng Quang Tuấn chỉ kém bố mẹ mình và gần chạm mức tối đa cho phép là 5% đối với cổ đông cá nhân theo quy định. Quang Tuấn là một trong những “thiếu gia’’ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với tài sản trên thị trường chứng khoán tính theo thị giá ngày 9/6 đạt hơn 2.431 tỉ đồng.
3 người con gái của Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn còn sở hữu lượng cổ phiếu nhiều hơn so với bố mẹ. Cụ thể, Trịnh Thị Mai Anh sở hữu 40,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,94%; Trịnh Mai Linh sở hữu hơn 58,5 triệu đơn vị, tỷ lệ 4,27%; Trịnh Mai Vân sở hữu hơn 51.3 triệu đơn vị, tỷ lệ 3,75%;.
Với thị giá OCB phiên 9/6 là 18.500 đồng/cổ phiếu, khối tài sản trên sàn chứng khoán của Trịnh Thị Mai Anh tương đương khoảng 745 tỉ đồng, Trịnh Mai Linh có 1.082 tỉ đồng trên sàn chứng khoán và Trịnh Mai Vân có gần 950 tỉ đồng cổ phiếu quy đổi, đủ để đưa cả 3 vào top 150 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tương tự, 4 người con của anh em ông Đỗ Minh Phú - Đỗ Anh Tú, cũng đang sở hữu vài chục triệu cổ phiếu của ngân hàng TienPhongBank (HoSE: TPB). Cụ thể, Đỗ Minh Quân và Đỗ Quỳnh Anh (con ông Đỗ Anh Tú), sở hữu lần lượt 48,6 triệu cổ phiếu và 52,8 triệu TPB; còn Đỗ Minh Đức cùng Đỗ Vũ Phương Anh (con ông Đỗ Minh Phú) mỗi người sở hữu 17,6 triệu cổ phiếu TPB. Với mức giá cổ phiếu TPB kết phiên 9/6 là 18.650 đồng/cổ phiếu, 4 F2 này đều nằm trong Top 200 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ngô Minh Phương, con gái chủ tịch Ngô Chí Dũng sở hữu 10,8 triệu cổ phiếu VPB, với thị giá VPB ngày 9/6 là 19.500 đồng, tài sản của cô trên safnc hứng khoán trị giá hơn 200 tỷ đồng.
Những người kế nghiệp chân truyền
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank, UPCoM: VBB) đã bầu ông Dương Nhất Nguyên, thành viên HĐQT độc lập, làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025. Ông Dương Nhất Nguyên (sinh năm 1983) là con trai của nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.
Ông Dương Nhất Nguyên là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trường Keller Graduate School of Management, Đại học DeVry, Mỹ. Ông Nguyên tham gia HĐQT VietBank từ tháng 1/2013 với chức danh Phó Tổng Giám đốc. Từ năm 2013, ông giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT VietBank. Tại VietBank, ông nắm giữ hơn 14,59 triệu cổ phiếu VBB, tính theo thị giá ngày 9/6/2023, số cổ phiếu này tương đương 160 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB). Tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại đại học Middlesex (Anh), năm 2021, ông Vinh được bầu vào vị trí Phó Tổng giám đốc SHB, trở thành lãnh đạo trẻ tuổi nhất tại ngân hàng này. Ngoài ra, ông cũng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Ngân hàng số đồng thời là lãnh đạo tại SHB Finance - Công ty con của SHB hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ông Đỗ Quang Vinh được bầu vào HĐQT và đến tháng 4/2023, ông chính thức được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB.
Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) Lê Thu Thủy - 1983, con gái doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG và Phó Chủ tịch thường trực SeABank - là F2 nữ duy nhất nối nghiệp cha mẹ. Bà Nga từng có 10 năm giữ cương vị Chủ tịch SeABank.
Bà Lê Thu Thủy là cử nhân Quản trị kinh doanh và cử nhân Tài chính - ngân hàng, Đại học George Mason, Hoa Kỳ. Trước khi nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch thường trực SeABank, bà Thủy đã có kinh nghiệm 20 năm làm việc tại SeABank, và nhiều năm làm việc tại các tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế. Hiện tại bà đang nắm giữ 48,053 triệu cổ phiếu SSB, với tỷ lệ 2,355% cổ phần, giá trị tính theo thời điểm ngày 9/6/2023 là 1,506 tỉ đồng.
Một người con khác của bà Nguyễn Thị Nga là ông Lê Tuấn Anh cũng đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SeaBank. Ông Tuấn Anh hiện đang nắm giữ hơn 44,784 triệu cổ phiếu SBB, nếu tính theo thị giá ngày 9/6/2023 thì số cổ phiếu này xấp xỉ 1.404 tỉ đồng./.