Việt Nam đã xuất khẩu 74.744 tấn quế, trị giá hơn 220,3 triệu USD trong 10 tháng đầu năm
Với diện tích khoảng 180.000 ha chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, quế Việt Nam trong năm 2022 chiếm 18,2% sản lượng và 34,4% thị phần xuất khẩu quế trên toàn cầu.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều loại nông sản quan trọng, hiện đang được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính bậc nhất. Đặc biệt, Việt Nam có không ít cây gia vị được mệnh danh là ‘báu vật nông sản’ vì rất ít quốc gia có được, trong đó có cây quế.
Xuất khẩu 74.744 tấn quế trong 10 tháng đầu năm
Số liệu từ Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho thấy, Việt Nam tính đến hết tháng 10 năm nay đã xuất khẩu tổng cộng 74.744 tấn quế, trị giá hơn 220,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 19,2% về lượng song lại giảm 1,3% về trị giá. Trong 10 tháng đầu năm 2023, mức giá xuất khẩu bình quân đối với mặt hàng này là 2.948 USD/tấn, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 17,2%.
Đáng chú ý, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu nhiều quế Việt Nam nhất trong 10 tháng đầu năm khi chiếm đến gần 44% tổng thị phần, tiếp đến là Mỹ, Bangladesh,... Trong mảng xuất khẩu quế, những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam phải kể đến những cái tên như: Prosi Thăng Long, Rừng Xanh T&K, Senspices Việt Nam và Gia vị Sơn Hà,...

Qua các năm, giá trị xuất khẩu quế của Việt Nam liên tục tăng cao. Riêng trong năm 2022, xuất khẩu quế đã giúp Việt Nam thu về hơn 276 triệu USD, nhiều quốc gia liên tục tăng cường nhập khẩu mặt hàng này. Đặc biệt, xuất khẩu quế sang Pakistan đã tăng hơn 200% so với năm 2021. Với diện tích khoảng 180.000 ha chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, quế Việt Nam trong năm 2022 chiếm 18,2% sản lượng và 34,4% thị phần xuất khẩu quế trên toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam còn là quốc gia xuất khẩu quế hàng đầu thế giới, kim ngạch đạt hơn 292 triệu USD. Liên quan đến vấn đề này, báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, tổng sản lượng quế của Việt Nam là hơn 41.400 tấn, chiếm đến 17% tổng sản lượng trên toàn cầu. Do đó, Việt Nam đang là nước xuất khẩu quế số 1 toàn cầu.
Hàng năm, nhu cầu về mặt hàng này trên thế giới cũng liên tục tăng mạnh, trong khoảng từ 8% đến 12%. Vì thế, giá quế cũng ngày được đẩy lên cao, đặc biệt là từ năm 2016 cho đến nay.
Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn là một quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là gia vị. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của mảnh đất hình chữ S đã tạo nên hương và vị đặc biệt trong tiêu, quế, hồi, hoàn toàn khác biệt so với những thị trường khác trên thế giới.

Được biết, Mỹ là thị trường nhập khẩu quế lớn thứ hai của Việt Nam. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu quế của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm đến 35% tổng kim ngạch nhập khẩu quế của quốc gia này. Đồng thời, tiềm năng đối với sản phẩm quế của Việt Nam được Mỹ đánh giá cao, đặc biệt khi người tiêu dùng có xu hướng quan tâm hơn đến những sản phẩm tăng cường sức đề kháng và dễ chế biến tại nhà sau đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, nhu cầu tinh dầu tại Mỹ cũng ngày càng tăng cao. Đặc biệt, quốc gia này cũng không có quy định về việc hạn chế nhập khẩu sản phẩm thô, tinh chế đối với cây dược liệu, trong đó có cả cây quế.
Thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6%/năm
Thực tế, quế là loại cây mà có rất ít quốc gia sở hữu được, nhưng lại có rất nhiều tại Việt Nam và Trung Quốc. Loại cây này thường được sử dụng để làm gia vị trong nhiều món ăn khác nhau, điển hình như bún bò, phở, cà ri, món hầm, tiềm, tạo hương vị và dậy mùi cho món ăn.
Các chuyên gia cho biết, quế không chỉ đơn thuần là một loại gia vị, nó còn được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm; được bổ sung vào cà phê, matcha và các đồ uống, mang đến hương vị đặc biệt và tốt cho sức khỏe. Chưa kể, nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới trong nhiều năm qua vẫn luôn ở mức cung không đủ cầu. Vì thế, giá quế ngày càng tăng cao và trở thành sản phẩm tiềm năng cho việc xuất khẩu.

Theo kết quả của những phân tích mới nhất, thị trường gia vị organic thế giới trong vòng 10 năm tới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm, sau đó đạt tổng giá trị 15 tỷ USD. Riêng với thị trường quế, thị trường này sẽ ghi nhận mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 14% từ nay đến năm 2025. Những yếu tố này tạo nên cơ hội ‘vàng’ cho xuất khẩu của Việt Nam, bởi quế là loại gia vị được nhiều quốc gia trên thế giới yêu thích và ‘săn đón’.
Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiều địa phương tại Việt Nam có đủ điều kiện trồng và phát triển cây quế, đồng thời xác định đây là một trong những cây lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế cao. Thời điểm hiện tại, cây quế đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, thị trường có nhu cầu các sản phẩm giá trị gia tăng, hữu cơ, thực phẩm chức năng để tăng khả năng miễn dịch, chống chọi dịch bệnh như gừng, nghệ, quế...
Trong đó, quế là sản phẩm có nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhưng sản phẩm này cũng chịu tác động trước xu hướng tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải, carbon; sản phẩm phải truy xuất nguồn gốc; đảm bảo chất lượng, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật....